Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số cải cách hành chính: Thước đo chất lượng phục vụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đã có từ những năm 2001 - 2002, song đến nay, vẫn chưa có một công cụ cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện một cách khoa học, định lượng, hợp lý.

Mặc dù chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đã có từ những năm 2001 - 2002, song đến nay, vẫn chưa có một công cụ cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện một cách khoa học, định lượng, hợp lý. Bởi vậy, việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số CCHC nội bộ TP Hà Nội hơn lúc nào hết đang là một yêu cầu cấp thiết.

Đánh giá thiếu toàn diện

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, công tác theo dõi, đánh giá CCHC tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP hiện vẫn thực hiện thông qua báo cáo, đánh giá kết quả hàng năm gửi về Sở Nội vụ và công tác kiểm tra định kỳ hay đột xuất. Việc đánh giá CCHC như vậy, theo các chuyên gia, là thiếu tính khách quan, do chủ yếu cơ quan cấp dưới báo cáo cấp trên, trong khi công tác kiểm tra thiếu thường xuyên nên dễ dẫn đến cung cấp thông tin thiếu chính xác. Ngoài ra, việc đánh giá kết quả thực hiện CCHC còn thiếu sự tham gia của cá nhân, tổ chức và chủ yếu là định tính nên khó xác định mức độ đạt được các mục tiêu CCHC hàng năm, không có tính xếp hạng về chất lượng triển khai CCHC giữa các sở, ngành và giữa các địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác theo dõi CCHC chưa thực sự được các cấp, ngành quan tâm: “Hơn nữa, chúng ta thiếu bộ công cụ chung để đánh giá
Thực hiện bộ chỉ số CCHC phải song song giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã với xã, phường, thị trấn, vì không thể trong một quận có tới nửa số phường làm chưa tốt mà đánh giá quận đó thực hiện tốt. Dù mới là thí điểm nhưng việc thực hiện chỉ số CCHC ngay từ năm 2015 cần đảm bảo công khai, minh bạch để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cho các năm sau.

Phó Chủ tịch UBND TP  Lê Hồng Sơn
toàn diện kết quả CCHC hàng năm; chưa hình thành hệ thống theo dõi thống nhất giữa các cơ quan, địa phương nội bộ TP với đánh giá của T.Ư về công tác CCHC của TP. Chưa nói đến việc, kinh phí và nguồn lực cho công tác này còn hạn chế”.

Chấm điểm không “rải mành mành”

Để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, từng bước đi vào thực chất, bảo đảm khách quan, công bằng, tháng 12/2014, UBND TP đã ban hành Đề án “Xác định chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đó, chỉ số CCHC của các sở và quận, huyện được xác định trên 8 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước cấp sở, ngành, quận, huyện; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, đối với các sở, ngành có 31 tiêu chí và 95 tiêu chí thành phần, với cấp quận, huyện có 35 tiêu chí và 118 tiêu chí thành phần.

Thang điểm đánh giá là 100, gồm điểm tự đánh giá của đơn vị và đánh giá qua điều tra xã hội học (XHH). Trong đó, điểm tự đánh giá của đơn vị sẽ được UBND TP công nhận hoặc điều chỉnh. Điểm đánh giá qua điều tra XHH do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra XHH và điểm của UBND TP là “Điểm đạt được”, căn cứ để tính Chỉ số CCHC cho từng sở, ngành, quận, huyện và được xác định bằng tỷ lệ phần trăm giữa “Tổng điểm đạt được” và “Tổng điểm tối đa” (100 điểm). Ngoài ra, còn có các chỉ số theo lĩnh vực, tiêu chí.

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 1/2015, TP thí điểm triển khai thực hiện Đề án tại 5 - 10 sở, ngành và quận, huyện, thị xã; sau đó nhân rộng và có sơ kết đánh giá vào cuối năm. Tuy nhiên, để thực hiện thành công Đề án cần có sự đồng lòng trách nhiệm và điều hành hiệu quả của các sở, ngành, địa phương. Các cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Chỉ số CCHC; bố trí cán bộ và nguồn lực về cơ sở vật chất, tài chính cho việc thực hiện. Đặc biệt, lãnh đạo Sở Nội vụ cũng chỉ đạo tập trung chấm điểm cao đối với các lĩnh vực như trách nhiệm thái độ của cán bộ, công chức; việc ứng dụng công nghệ thông tin… để khuyến khích những đơn vị, địa phương có đột phá thực sự chứ không chấm điểm chung chung, “rải mành mành” như trước đây.