Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số đo “sức khỏe” đồng USD - liên tục giảm sút

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với USD, người ta viện dẫn nào là xu hướng tiết giảm cho vay USD của các ngân hàng thương mại, nào là các khoản vay USD của doanh nghiệp trước đó

KTĐT - Với USD, người ta viện dẫn nào là xu hướng tiết giảm cho vay USD của các ngân hàng thương mại, nào là các khoản vay USD của doanh nghiệp trước đó đã đáo hạn phải mua gom để trả... dẫn tới thị trường bị “làm nóng”.

Mấy phiên giao dịch gần đây, trên thị trường thế giới, US.Index – chỉ số đo “sức khỏe” đồng USD - giảm sút liên tục.

Có nghĩa là, trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, đồng USD đang sụt giảm giá trị so với những đồng tiền chính khác như bảng Anh, Euro... Tuy nhiên ở Việt Nam thì ngược 180 độ: USD trong cả tuần vừa qua lẫn mấy ngày đầu tuần này vèo vèo tăng giá và “neo” giữ ở ngưỡng cao. Từ dưới 19.000 đ/USD, nay ngoại tệ này đang có giá trên 19.200 đ/USD. Diễn biến thị trường công khai lẫn thị trường chợ đen đều cho thấy, giá cả và sức mua đồng tiền này chưa có dấu hiệu hết “nóng”. Đó là một nghịch lý khó tin của nền kinh tế thị trường!

Trong 2 ngày 19 và 20/7, giá vàng giao ngay và giá vàng kỳ hạn trên thị trường thế giới đều có xu hướng lao dốc mạnh mẽ. Có những lúc giá vàng thế giới mất tới 25 - 30 USD/ounce so với phiên trước đó. Nhìn tổng quát, từ ngày 15 - 20/7, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 40 - 45 USD/ounce.
 
Nếu quy đổi ra tiền Việt, mức giảm này tương đương với khoảng 700.000 - 800.000đ/ounce (khoảng trên 900.000 đ/lượng). Vậy nhưng thị trường vàng trong nước thì sao? Trong khi giá thế giới “rớt” mạnh theo chiều thẳng đứng như thế thì các doanh nghiệp vàng trong nước lại giảm giá bán theo kiểu “nhỏ giọt”. Khi giá thế giới giảm 800.000 – 900.000 đ/lượng thì trong nước chỉ giảm được khoảng 300.000 đ/lượng. Vậy mà ai cũng bảo chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường?!
 
Nhiều lý giải đã được đưa ra đối với sự vô lý của giá USD và giá vàng Việt Nam so với giá thế giới. Với USD, người ta viện dẫn nào là xu hướng tiết giảm cho vay USD của các ngân hàng thương mại, nào là các khoản vay USD của doanh nghiệp trước đó đã đáo hạn phải mua gom để trả... dẫn tới thị trường bị “làm nóng”.
 
Với vàng, người ta quay lại điệp khúc cũ từng áp dụng cho xăng dầu: Độ trễ! Doanh nghiệp nhập vàng về khi giá còn cao, nên nay khi giá thế giới giảm người ta vẫn phải bán với... giá cao?!

Giá vàng, giá USD của chúng ta “nắng mưa thất thường” chẳng giống ai song phần thiệt thì luôn thuộc về khách hàng. Người tiêu dùng vẫn phải chia sẻ những “rủi ro kinh doanh” mà nguyên nhân chủ yếu đến từ sự dự báo thị trường kém cỏi của các doanh nghiệp.
 
Khi tăng giá vù vù thì người ta lý giải “nền kinh tế thị trường mà lại”, “hội nhập sâu thì phải thế”, “thị trường chúng ta liên thông với thị trường thế giới”…Vậy nhưng khi “đi ngược chiều thế giới” thì người ta quên hết những gì đã nói và lại bảo… “có độ trễ”?!
 
Nhà quản lý lặng im. Người tiêu dùng đành “ngậm bồ hòn khen ngọt”!