Chỉ thi xét tốt nghiệp THPT: Bỏ thi kép để thi 2 lần?

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, đảm bảo giáo dục toàn diện. Tuy vậy, với việc có thể học sinh phải thi thêm một kỳ thi vào đại học, có ý kiến cho rằng, đang giảm áp lực ngược.

Nhiều học sinh lo lắng khi có thể phải đối mặt với nhiều kỳ thi để vào đại học. Ảnh: Bảo Trọng
Thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo chuẩn đầu ra
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý với phướng án thi tốt nghiệp THPT (thay vì kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh/TP chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh. Với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng yêu cầu ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn, tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi tại các địa phương, không được buông lỏng.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, với học sinh THPT, kỳ thi tốt nghiệp được đánh giá là đặc biệt quan trọng, bởi nó là căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc tổ chức kỳ thi chính là tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc, là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh thi cử, tạo động lực thi đua cho cả người học, người dạy. Sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
“Một khi kỳ thi được tổ chức khách quan, kết quả trung thực, không chỉ giúp cho công tác đánh giá, đổi mới chương trình và phương thức dạy học ở phổ thông mà cũng giúp các trường đại học có thêm cơ sở để phục vụ cho mục đích tuyển sinh trên tinh thần tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình” - ông Nhạ cho hay.
Đúng xu hướng nhưng chưa sát với tình hình dịch bệnh
Liên quan công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp năm nay do các trường tự chủ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, gắn với lộ trình đổi mới giáo dục đại học trong những năm qua.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, thực tế công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 5 năm qua chỉ có khoảng 10% các trường top đầu hình thành nhóm có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc sử dụng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Còn lại, hơn 60% các trường sử dụng kết quả xét tuyển của nhóm trường top đầu khoảng 28% kết hợp xét tuyển qua học bạ và căn cứ kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.
Điều này có nghĩa, phần lớn các trường đại học đều không bị ảnh hưởng bởi kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài ra, theo tinh thần tự chủ tuyển sinh, các trường có thể chủ động thi tuyển theo nhiều đợt, bằng nhiều hình thức nên sẽ hạn chế được tình trạng thí sinh và gia đình tập trung về các thành phố lớn, gây lãng phí, căng thẳng xã hội.
Đồng tình với việc “phá” kỳ thi kép (THPT, xét tuyển đại học), thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie Curie, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội đánh giá, việc Bộ GD&ĐT tác kỳ thi kép trước đây thành kỳ thi tập trung xét tốt nghiệp THPT và thêm đợt xét tuyển vào đại học là một xu thế văn minh trong giáo dục. Ngoài ra, kỳ thi này đã được giao thẩm quyền tổ chức về cho địa phương, như vậy sẽ tiết kiệm, giản tiện được nhiều kinh phí, nhân sự.
Tuy vậy, thầy Khang cho rằng, có hiện tượng Bộ GD&ĐT đang đi ngược với xu hướng giảm tải cho học sinh đợt dịch Covid-19. Cụ thể, kỳ thi THPT vẫn phải đảm bảo 3 môn thi chính Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ cộng với việc lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. “Đây là một quyết định còn nặng nề, bởi học sinh nếu trở lại trường trong tháng 5, tức chỉ được đến trường 3 tháng. Trong khi đó, Bộ vẫn cho thi với số môn như này trong tình hình dịch bệnh là quá nặng”. Thầy Khang phân tích, giả thiết các năm sau sẽ áp dụng thì là chuyện bình thường và rất nên làm, ấy nhưng, với năm học 2019-2020, học sinh bị nhiều thiệt thòi trong đào tạo nhưng vẫn phải thi nhiều môn như vậy là không cần thiết.
Ngoài ra, theo tính toán của Hiệu trưởng trường liên cấp Merie Curie, sau khi học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ có thể phải thi thêm một kỳ thi vào đại học (trong trường hợp không xét tuyển, sử dụng kết quả học bạ...) thì vô hình trung, học sinh phải thêm một kỳ thi rất căng thẳng, tốn kém nữa.
Nhiều lo lắng
Hay tin đợt thi THPT tới sẽ chỉ tính tốt nghiệp, hoàn thành chương trình phổ thông, nhiều phụ huynh không giấu được lo lắng. Chị Nguyễn Thu Hằng (ở quận Hà Đông, TP Hà Nội có con đang học lớp 12) bày tỏ: “Quyết định này gây xáo trộn lớn quá. Các con đang gồng mình tập trung ôn thi, định hướng sẽ thi tốt đợt này để tính hướng vào đại học luôn, nhưng giờ Bộ lại tách thế này, sợ các con xoay không kịp, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”. Cũng theo chị Hằng, đồng ý rằng cả nước đang tập trung công tác phòng, chống dịch, an toàn cho môi trường giáo dục là trên hết. Tuy nhiên, với học sinh lớp 9 hay 12 là lứa đang ở đối mặt với những kỳ thi đặc biệt quan trọng, do đó, cần có sự ổn định trong định hướng giáo dục, tránh gây hoang mang, nhất là các em học sinh, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Chia sẻ những lo lắng, chị Trần Thị Thu (ở quận Long Biên, TP Hà Nội, có con đang học lớp 12) cho rằng, như vậy, Bộ GD&ĐT định hướng bỏ kỳ thi kép THPT với đại học, chỉ tổ chức một kỳ thi xét tốt nghiệp, có nghĩa, học sinh lại chuẩn bị đối mặt với một kỳ sát hạch tiếp theo nếu mong muốn mở mang tri thức tại các trường đại học. “5 năm qua, sự ổn định, tiết kiệm chi phí và sự đúng đắn đã thể hiện qua các kỳ thi kép. Còn năm nay, các con thi xong lần THPT lại lục tục chuẩn bị ôn thi kỳ tiếp theo, chắc chắn sẽ gây tốn kém và hình ảnh chen chúc, hồi hộp, lo lắng từ khắp các gia đình trong kỳ thi xét tuyển đại học nhiều năm trước lại ùa về” - chị Thu nói thêm.
Chia sẻ với báo chí, thầy giáo Trần Mạnh Tùng - trường THPT Lương Thế Vinh, TP Hà Nội lập luận, phương án thi chỉ để xét tốt nghiệp có thể gây khó cả triệu học sinh. Bởi lẽ, hiện nay, toàn xã hội trong đó có ngành giáo dục đang chịu những áp lực do dịch bệnh, giờ nếu thêm các kỳ sát hạch nữa, sẽ vô cùng nặng nề với học sinh cũng như giáo viên. Với lý do này, thầy Tùng mong muốn vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia để tạo sự ổn định trong hệ thống.
Cũng là những mong muốn giảm áp lực, giảm tải cho học sinh, thầy Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, trường Đại học Thủy lợi nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh nói chung và khối 12 nói riêng đang rất mệt mỏi, căng thẳng. Bởi thế, trong tình huống nào cũng cần cân nhắc để giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, tránh gây hoang mang về tâm lý, rối loạn về định hướng giáo dục.