Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chia cổ tức bằng cổ phiếu: Ngành ngân hàng chưa thoát khỏi khó khăn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ đông thích "tiền tươi thóc thật", song động thái các ngân hàng phần lớn chia cổ tức bằng cổ phiếu và mức chia tính trên thị giá thấp cho thấy, ngành ngân hàng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Cổ tức bằng cổ phiếu
Sáng nhất trong ngành là VietinBank cũng cho thấy mức độ khiêm tốn khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay chỉ tăng khoảng 3%, tương đương 8.800 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức từ 5% - 7% trên vốn điều lệ, trả bằng tiền mặt. Năm 2016, VietinBank đã trả cổ tức 7% bằng tiền mặt. Trong khi đó, các ngân hàng khác như ACB, VPBank, VIB... đều trả bằng cổ phiếu; còn Techcombank, SCB... thậm chí không chia cổ tức.
 Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay VietinBank chỉ tăng khoảng 3%.   Ảnh: Thanh Hải
Mới đây, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của ACB, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, lợi nhuận cao chưa hẳn là tốt mà quan trọng là lợi nhuận thực sự, lợi nhuận bền vững. Để có được điều này, ngân hàng cần phải phân loại nợ xấu đúng với quy định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Cổ tức là chuyện của cổ đông mỗi DN nhưng với ngân hàng lại khác. Từ 3 năm trước, các ngân hàng đã không được chủ động chia cổ tức. Trước khi đưa ra mức đề xuất lấy ý kiến tại ĐHCĐ, ngân hàng phải trình NHNN cho ý kiến về cổ tức. Đã có nhiều ngân hàng bị tuýt còi về việc này hoặc bị yêu cầu điều chỉnh giảm. Chẳng hạn, VIB có năm đề xuất mức chia cổ tức 11% nhưng sau đó bị yêu cầu giảm xuống 9%.
Thực tế giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay ở mức thấp, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không được cổ đông hoan nghênh nhưng về lâu dài, nếu hoạt động ngân hàng cải thiện tốt, giá cổ phiếu tăng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông.
Đau đầu với nợ xấu
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là giải pháp NHNN khuyến khích trong bối cảnh các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tăng vốn để gia tăng năng lực tài chính và tăng CAR (hệ số an toàn vốn). Đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 35/2016-TT-NHNN có hiệu lực thì để đảm bảo hệ số CAR tối thiểu 9%, các ngân hàng đều phải tăng vốn tự có. Đó là chưa kể ngân hàng còn phải tuân thủ các mục tiêu đảm bảo an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị với đối tác quốc tế và mở rộng kế hoạch kinh doanh.
Về mặt lý thuyết, khi giá cổ phiếu ngân hàng chưa bứt phá trên mệnh giá, việc tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo mệnh giá sẽ thất bại. Phát hành riêng lẻ ở thời điểm này cũng không dễ dàng khi kinh doanh ngân hàng không còn là miếng bánh ngon. Do đó, có đồng nào lợi nhuận, ngân hàng nhiều khả năng đều giữ lại để tái đầu tư hoặc tăng vốn bằng cổ phiếu nhằm ngăn ngừa tiền chảy ra khỏi hệ thống.
Dẫu vậy, cổ đông của không ít ngân hàng vẫn ấm ức. Nhiều cổ đông của SCB đã phát biểu tại ĐHCĐ cho rằng, họ chờ đợi nhiều năm qua mà vẫn không được chia cổ tức. Trong khi đó, theo giới chuyên gia phân tích, ẩn số lớn nhất đối với hoạt động của các ngân hàng là nợ xấu. Nhìn vào tiến độ xử lý chậm và chưa triệt để như hiện nay, dự báo cần thêm 5 - 7 năm nữa để giải quyết được vấn đề này. Đặc biệt là cách tính nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định khiến con số chưa phản ánh chính xác. Trong khi đó, bên cạnh sự bất hợp tác của khách hàng, việc xử lý tài sản bảo đảm của TCTD còn nhiều vướng mắc với các nguyên nhân như: Các văn bản quy phạm về xử lý tài sản bảo đảm chưa đầy đủ; các TCTD có tài sản thế chấp nhưng không thể tự thu hồi và phát mại do những tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền chuyển đổi sở hữu; cơ chế xử lý tố tụng qua tòa án còn chậm…
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 3 năm, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chỉ mới thu hồi khoảng 38.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 14,5% nợ gốc bán cho VAMC). Tính đến cuối năm 2016, có 228.000 tỷ đồng tài sản xấu vẫn đang chờ xử lý. Trong khi năng lực tài chính đang bị bào mòn do phải trích lập dự phòng rủi ro (chi phí dự phòng rủi ro chiếm 65% lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro). Các nguồn lực khác như nhận cấn trừ nợ, siết nợ, hoán đổi nợ xấu thành vốn góp đang bị hạn chế do quy định pháp lý.