Kinhtedothi - Ngay sau chuyến tập huấn tại Nhật Bản, HLV trưởng đội tuyển Quốc gia Việt Nam Toshiya Miura đã khiến dư luận bị sốc khi quyết định loại 3 cầu thủ của SHB Đà Nẵng là Huỳnh Quốc Anh, Nguyễn Vũ Phong và Hoàng Minh Tâm. Thế nhưng, với những người am hiểu tình hình, chính hành động cứng rắn này lại cho thấy sự khác biệt của những ông thầy ngoại và nó giúp họ có được thành công.
Ai cũng có thể bị thay thế
Đó là quan điểm của ông Miura. Với nhà cầm quân này, đội tuyển phải là tập hợp của những cá nhân nghiêm túc và có phong độ cao nhất. Ông Miura cũng nêu quan điểm, cánh cửa đội tuyển luôn rộng mở đối với những cầu thủ có khát vọng và ý chí phấn đấu. Quan điểm này khác hẳn với những ông thầy nội vốn hay đưa ra quyết định dựa theo quan hệ và tình cảm. Thế mới có chuyện, có những cầu thủ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hoặc phong độ không tốt nhưng vẫn có tên ở đội tuyển, thậm chí là được đảm bảo vị trí trong đội hình xuất phát. Cũng chính vì điều này mà lâu nay, làng bóng đá thường có quan niệm "muốn lên tuyển thì phải biết chạy dây".
Kể từ ngày nắm quyền dẫn dắt đội tuyển quốc gia, ông Miura chủ trương theo đuổi triết lý bóng đá của tập thể và vì tập thể. Ở đó, các ngôi sao cần phải bớt cái tôi để vì cái ta. Thế nhưng, xem ra điều đó lại hơi bị xa lạ với các cầu thủ vốn luôn tin rằng, vị trí của mình là bất khả thay thế. Và khi bị loại khỏi cuộc chơi, bản thân các cầu thủ đã bị sốc. Đầu tiên là nhóm cầu thủ SLNA mà đứng đầu là trung vệ Mạnh Hùng vốn được coi là công thần ở đội tuyển U23 bị loại khỏi danh sách dự ASIAD. Và mới đây, đến lượt Quả bóng vàng Huỳnh Quốc Anh, Quả bóng bạc Nguyễn Vũ Phong bị trả về địa phương vì… không đảm bảo yêu cầu chuyên môn!
Muốn thành công phải… lạnh lùng
Giới chuyên môn cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất của đội tuyển U23 dưới thời ông Miura là tinh thần chiến đấu và nền tảng thể lực rất tốt. Nhưng, để có được sự biến chuyển tích cực đó, nhà cầm quân này đã phải tốn nhiều công sức để dập tắt những phản ứng từ nội bộ đội bóng trước giáo án huấn luyện thiên về thể lực.
Lâu nay, các HLV Việt Nam thường có thiên hướng ve vuốt, thỏa hiệp với các cầu thủ. Giáo án huấn luyện của họ đưa ra thường ở mức cầm chừng vì sợ cầu thủ phản ứng. Nhưng với ông Miura thì khác, nhà cầm quân này luôn biết tận dụng "cây gậy" mà VFF trao cho mình. Điển hình là việc, bất cứ ngôi sao nào cũng bị chỉnh huấn, thậm chí trả về địa phương nếu không thể hiện được sự nghiêm túc trong tập luyện.
Bên cạnh việc giữ thái độ lạnh lùng trong tập luyện, HLV Miura luôn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ đội bóng. Ông không xây đội hình dựa trên 11 cầu thủ xuất sắc nhất. Trong những trận đấu tập ở Nhật Bản vừa qua, nhà cầm quân này luôn sử dụng hai đội hình. Nhìn cách bố trí nhân sự trên sân, người ta chẳng thể biết đâu là đội hình chính, đội hình dự bị. Đương nhiên, điều này có tác động mạnh đến tâm lý của các cầu thủ. Họ hiểu rằng, nếu không nỗ lực thì sẽ sớm mất vị trí chính thức vào tay người khác.
Thế mới biết, sự khác biệt giữa thầy nội và thầy ngoại không chỉ ở chuyên môn, khả năng cập nhật kiến thức mới mà nó còn đến từ triết lý bóng đá, triết lý quản quân. Rằng, muốn quản được các ngôi sao thì cần phải có cách buộc họ quay theo quỹ đạo mà HLV mong muốn.
HLV Toshiya Miura đã mạnh tay loại một số cầu thủ vì không đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Ảnh: Minh Hoàng
|