Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 90% các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh có đủ năng lực thực hiện cấp phép, giám sát và kiểm soát các hoạt động tiếp cận nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Mạng lưới các tổ chức khoa học - công nghệ được xác định và tăng cường năng lực để hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen.
Cụ thể, tăng cường năng lực cho đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đầu mối thực hiện Nghị định thư Nagoya để tổ chức triển khai có hiệu quả và quản lý thống nhất về tiếp cận, chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên ngành ở cấp Trung ương và địa phương trong quá trình thực thi pháp luật, bao gồm các lực lượng: hải quan, biên phòng, kiểm lâm, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường và các cơ quan khác có liên quan để kiểm soát các hoạt động vận chuyển, thu mua, khai thác trái phép, không bền vững đối với nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam. Xây dựng các cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng bản địa trong công tác bảo tồn, lưu giữ, sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin Nhiệm vụ và giải pháp khác của Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Cụ thể, điều tra, thu thập và lập danh mục, sơ đồ phân bố, chỉ dẫn địa lý của nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; xây dựng và thực hiện cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin về nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen giữa các Bộ, ngành liên quan và địa phương. Xây dựng, củng cố và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; thiết lập, vận hành Cổng thông tin điện tử về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen của Việt Nam; kết nối với Cổng thông tin quốc tế của Nghị định thư Nagoya. Tập trung thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ ưu tiên triển khai của Đề án: 1- Rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định pháp luật về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; 2- Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; 3- Xây dựng và thực hiện mô hình về tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen của cây trồng, vật nuôi; 4- Điều tra, đánh giá và lập danh mục tri thức truyền thống về nguồn gen tại Việt Nam; 5- Xây dựng và thực hiện thăm dò sinh học, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y dược; 6- Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp cận, chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen.