Chiếc tủ được lắp đặt ngay sau khi sân chơi của khu nhà này được nâng cấp, sửa chữa và lắp đặt biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Với thông điệp nhân văn, chiếc tủ đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Sau một thời gian ngắn, người dân không chỉ trong khu tập thể C5 mà các khu nhà lân cận đã hưởng ứng, quyên góp nhiều quần áo, đồ dùng “thừa” cho người “cần”. Sự xuất hiện của chiếc tủ dường như vượt qua mối quan hệ giữa việc “thừa thì cho – cần thì lấy” mà trở thành nơi người dân trong khu tập thể C5 mong muốn gửi gắm tình thương với những người có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ.
Thế nhưng, cũng sau một thời gian được lắp đặt, chiếc tủ cũng nhanh chóng quá tải với những đồ “thừa” mà người dân quyên góp. Dù bên ngoài tủ có ghi “xin xếp gọn gàng” nhưng bên trong, quần áo để ngổn ngang. Trên nóc tủ, dưới đất, từng bọc quần áo được vứt chỏng chơ mặc cho trời mưa nắng. Trong số đồ “thừa” đó, người cho cũng không ý thức hoặc quên đi việc đồ dùng của mình có thực sự có giá trị sử dụng với người khác không. Có người chỉ cố nhét sao cho đồ thừa của mình được cho đi, ai cần thì lấy. Nó giống như việc tống khứ lòng tốt của mình cho người cần.
Ngẫm lại ngày xưa, người ta vẫn nhường cho nhau những tấm áo rách vai, quần có vài miếng vá nhưng ngày nay “đói cho sạch, rách cho thơm”. Người gửi gắm những đồ “thừa” với mong muốn giúp đỡ những người “cần” nên chăng cũng cân nhắc góp những thứ còn có thể tái sử dụng. Vì khi mở tủ để muốn lấy đi vật dụng gì, người mở cánh tủ ấy có lẽ đều thực sự khó khăn và kỳ vọng thứ họ lấy đi sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Lúc đó, ý nghĩa của việc “cho đi không cần nhận lại” sẽ thực sự trở thành những hành xử văn minh của người dân Thủ đô.
Có một câu nói “sông có khúc, người có lúc” ý nói làm người ai cũng có thể có lúc sa cơ thất thế. Nói như vậy để thấy rằng, có những lúc khó khăn, người ta cần được giúp đỡ, đôi khi là miếng bánh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống. Và rồi có lúc, họ sẽ quay lại giúp những người sa cơ lỡ bước như họ đã từng trải qua.