Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt: Cú hích cho ngành công nghiệp không khói

Mai Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt đã được triển khai nghiêm túc và đã tạo hiệu ứng tốt, góp phần tạo “cú hích” để nâng cao hình ảnh du lịch Việt.

Mở chiến dịch, tạo hình ảnh
Những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện số cơ sở lưu trú trên cả nước là 21.000 với trên 420.000 buồng (tăng 2.200 cơ sở lưu trú so với năm 2015). Trong đó có 106 khách sạn 5 sao, 231 khách sạn 4 sao, 447 khách sạn 3 sao, 1.550 khách sạn 2 sao, 4.000 khách sạn 1 sao, 10 khu căn hộ cao cấp. Riêng năm 2016, 75 cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao được công nhận. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, số lượng và chất lượng mặt bằng chung của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sự xuất hiện của các nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, Mường Thanh, FLC… đã hình thành nên những chuỗi khách sạn cao cấp và đồng bộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp mạo danh “sao”, chất lượng không tương xứng với sao được công nhận hoặc không duy trì được chất lượng của hạng sao. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến uy tín của bản thân DN, mà còn ảnh hưởng tới các cơ sở lưu trú đồng hạng và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ du lịch Việt.
 Chuỗi dự án lưu trú cao cấp đang được xây dựng bên bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Hùng
Để chấn chỉnh tình trạng này và tạo đột phá về hình ảnh du lịch Việt, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng cục Du lịch đã tiến hành chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt thông qua rà soát, chấn chỉnh chất lượng lưu trú của các cơ sở lưu trú tại các địa bàn du lịch trọng điểm trên toàn quốc. “Chiến dịch nhằm tạo ra cú hích, làm thay đổi cả hệ thống cơ sở lưu trú. Cùng với hoạt động này có nhiều hoạt động khác để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là một phần trong cả chương trình lớn để nâng cao hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch Việt. Việc cần làm trước hết là thay đổi nhận thức chủ đầu tư, nhà quản lý, các DN để khách du lịch yên tâm, tạo chuyển biến thực sự để thay đổi chất lượng các cơ sở lưu trú” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Niềm vui đầu năm
Đến thời điểm này, chiến dịch đã cơ bản kết thúc giai đoạn đầu tiên và đạt được những kết quả tích cực. Theo Tổng cục Du lịch, các đoàn công tác của Tổng cục đã rà soát, kiểm tra trên 20 tỉnh, thành trọng điểm về du lịch, kiểm tra hàng trăm cơ sở lưu trú, trong đó nhắc nhở khoảng 80 khách sạn, thu hồi quyết định công nhận hạng sao của 35 khách sạn từ 3 - 5 sao (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 4 sao, 25 khách sạn 3 sao). Đặc biệt, tại một số địa phương, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã triển khai rất quyết liệt, trong đó Hà Nội và Quảng Ninh là 2 địa phương có nhiều khách sạn bị thu hồi công nhận hạng sao nhất.
“Trong tổng số hơn 400 khách sạn 3 sao, hơn 200 khách sạn 4 sao và 106 khách sạn 5 sao, tỷ lệ số khách sạn được rà soát, chấn chỉnh cũng như số cơ sở bị nhắc nhở, thu hồi công nhận hạng sao vẫn chiếm tỷ lệ ít. Tuy nhiên, chiến dịch được triển khai nghiêm túc, công khai và minh bạch đã tạo nên tiếng vang và sức lan tỏa lớn. Chiến dịch được sự phối hợp chặt chẽ của các hiệp hội du lịch và sự đồng thuận của các địa phương. Ban đầu vẫn có những phản ứng nhất định, tuy nhiên sau đó chiến dịch được triển khai quyết liệt, các khách sạn đều chấp hành nghiêm túc quyết định của Tổng cục Du lịch, và một số địa phương đã chủ động kiểm tra, rà soát trước khi có đoàn kiểm tra của Tổng cục đến” - ông Tuấn cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, năm nay, chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ khép lại, nhưng sẽ được duy trì thường xuyên trong những năm tới. Đây là việc làm cần thiết để tạo cú hích thay đổi nhận thức và bước đột phá trong toàn ngành du lịch, gây dựng niềm tin cho du khách.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Sẽ duy trì thường xuyên
Chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt thông qua việc duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ trong hệ thống khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và do đích thân Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo trực tiếp. Đến thời điểm này, có thể nói chiến dịch đã thu được kết quả tốt, tạo ra được chuyển biến trong nhận thức của chính hệ thống khách sạn, cộng đồng DN, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng DN, khách du lịch, truyền thông và xã hội. Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những đột phá được thực hiện rất nghiêm túc, tạo được tiếng vang và có sức lan tỏa lớn. Đến thời điểm này, chiến dịch cơ bản đã kết thúc giai đoạn đầu, tuy nhiên sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo. Tổng cục Du lịch vẫn sẽ chủ trì rà soát nhóm cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao, nhóm cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống rất lớn, sẽ do các địa phương trực tiếp đảm nhận kiểm tra, rà soát.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Phạm Quang Thanh: Kết hợp với tăng chất lượng nhân sự
Đây là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm quyền lợi của du khách và các DN làm ăn nghiêm túc, tuân thủ luật pháp và góp phần giữ gìn hình ảnh du lịch Việt. Đây cũng là một phần trong công tác “hậu kiểm” để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp nói chung và Luật Du lịch nói riêng. Lãnh đạo Bộ VHTT&DL coi đây là nhiệm vụ then chốt của ngành trong thời điểm hiện tại, góp phần nâng cao nhận thức, tư duy của các cấp quản lý du lịch cho đến những người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch về việc nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú. Tôi mong muốn chiến dịch này sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, tiến hành đồng bộ, thường xuyên liên tục ở cả T.Ư và địa phương tạo hiệu ứng tích cực cho sự thay đổi toàn diện của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh việc kiểm tra cơ sở vật chất, chất lượng nhân sự cũng là một yếu tố quyết định tạo nên chất lượng dịch vụ. Tôi mong Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch yêu cầu các cơ sở lưu trú chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ của những người làm du lịch. Việc này được thực hiện khá tốt ở những khách sạn do các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới quản lý và ở các khách sạn của các DN Việt Nam lớn có uy tín. Khi những người làm du lịch cải thiện được những kỹ năng mềm, thái độ phục vụ với du khách thì chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh du lịch Việt sẽ được nâng lên.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang Phạm Thế Triều: Không để khách sạn “nhầm sao”
Tỉnh An Giang đã chủ động rà soát, kiểm tra trước hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn; xác định đó là việc làm chính đáng để phục vụ du khách. Chúng tôi đã rà soát, kiểm tra rất kỹ, những cơ sở nào tốt thì tiếp tục công nhận hạng sao, còn hạng mục nào chưa đạt mà chưa đến mức phải thu hồi thì yêu cầu tự nâng cấp, chấn chỉnh trong vòng từ 2 - 3 tháng kiểm tra lại để hoàn thiện theo yêu cầu. Theo tinh  thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, ngành du lịch An Giang chỉ đạo rất dứt khoát, kiên quyết không thể để tình trạng khách sạn “nhầm sao”.
Hà Hoàng (ghi)