Ngày 14/7/2015, tại Vienna sau 13 năm đàm phán, tất cả các bên tham gia gồm Iran và nhóm nước P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), đã đạt được thỏa thuận lịch sử "Kế hoạch toàn diện hành động chung JCPOA" gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran. Vào hôm đó, tại lễ ký kết tất cả đại diện của các nước đều cười vui vẻ và các phương tiện thông tin đại chúng gọi đây là "thắng lợi của ngoại giao nụ cười". Ấy thế mà hôm nay chính thỏa thuận này lại đang gặp phải sự tức giận và phần nộ của chính quyền Mỹ. Ngày 13/10/2017, phát biểu tại nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đe dọa xé bỏ thỏa thuận và công kích mạnh mẽ Iran sau một thời gian quan hệ Mỹ-Iran đang dần dần ấm trở lại dưới thời Tổng thống Barack Obama.
|
Tổng thống Trump đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. |
Chiến lược mới của Mỹ chống Iran đã phân chia cộng đồng quốc tế thành hai nhóm: nhóm nước ủng hộ và nhóm nước chống lại chính sách của Mỹ đối với Tehran.Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã đứng về phía Nga cố gắng duy trì thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và nhóm nước P5+1. Trong khi đó Israel, Ả rập Saudi và một số nước Ả rập có quan hệ không tốt với Iran đã ủng hộ quan điểm của chính quyền Donald Trump.
Nếu các nước địch thủ của Tehran coi chiến lược của Donald Trump là cơ hội để thiết lập một liên minh chống Iran thì Nga và Liên minh châu Âu lại đang xích lại gần nhau trong cố gắng chung nhằm gìn giữ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump là dấu hiệu về khả năng Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Iran. Tuyên bố này đang làm cho các nước khu vực Trung Đông và thế giới hết sức lo ngại.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu là những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất phê phán tuyên bố của Tổng thống Donald Trump và đòi duy trì thỏa thuận này. Họ lo ngại sẽ bùng nổ thêm một cuộc xung đột mới tại Trung Đông, cản trở cho sự xâm nhập của các nước Tây Âu vừa mới bắt đầu vào thị trường Iran đầy tiềm năng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng ông Donald Trump đang muốn tạo ra một Triều Tiên thứ hai và ngay lập tức điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định quyết tâm thực hiện thỏa thuận. Thủ tướng Anh Theresa May và và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhất trí "lập trường của Anh và Đức đối với thỏa thuận hạt nhân Iran không thay đổi" và hai người "đàn bà thép" và là hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu này khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu EU vào tuần này tại Brussel.
Thỏa thuận này nếu bị hủy bỏ sẽ gây thiệt hại lớn cho lợi ích kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Âu. Áo đã đưa ra kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với Iran lên gấp năm lần đến năm 2020. Các công ty năng lượng quốc tế như Shell (Anh), Total (Pháp), Rusneft (Nga), Inpex (Nhật), Sinopec (Trung Quốc), Petronas (Malaysia).... đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc thăm dò và khai thác dầu khí tại Iran. Pháp đã ký hợp đồng bán 100 máy bay dân dụng Airbus cho Iran trị giá hơn 20 tỷ USD. Nhiều công ty của Anh và Đức đã tiếp xúc với Iran và thỏa thuận kế hoạch hợp tác lớn với Tehran. Nếu các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra chống Iran, các nước này sẽ phải chịu thiệt hại lớn.
Rõ ràng, quan điểm của Donald Trump đã không nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, những nước có quan hệ thù địch từ lâu nay với Iran ở Trung Đông đã hoan nghênh sáng kiến của Tổng thống Donald Trump, coi đây là cơ hội vàng để khơi lại ý tưởng thiết lập một liên minh rộng rãi chống Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chúc mừng Tổng thống Donald Trump đã "tạo ra một cơ hội để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran và ngăn chặn các hành động xâm lược của Iran đối với khu vực", đồng thời kêu gọi tất cả "các nước có trách nhiệm" gia nhập sáng kiến của Donald Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigor Liberman đã chỉ trích mạnh mẽ các nước châu Âu và gọi họ là "những con đà điểu vùi đầu dưới cát" muốn trốn tránh thực tế. Ngược lại, Avogor Liberman lại ca ngợi một số nước Ả Rập ủng hộ tuyên bố của Donald Trump, trong đó có Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, Bahrain, Ai cập và Yemen.
Như vậy, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran đang phân chia cộng đồng quốc tế thành hai phe, làm thay đổi liên minh trên cơ sở lợi ích kinh tế và an ninh. Các đối thủ truyền thống của Iran thì coi đây là cơ hội đối với họ để thành lập một liên minh chống Iran, còn Nga và châu Âu thì lại cho rằng đây cũng là dịp để họ cùng nhau đấu tranh gìn giữ một thỏa thuận mang tính lịch sử, một thành tựu chung của cộng đồng quốc tế-Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA về chương trình hạt nhân của Iran.
(*) Tít do tòa soạn đặt