Thực ra, người ta không thể phủ nhận những đóng góp của cầu thủ ngoại cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Nhờ va chạm thường xuyên với cầu thủ ngoại mà kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc của các cầu thủ nội nâng lên. Cũng nhờ điều này mà khi ra đấu trường quốc tế, các tuyển thủ Việt Nam không bị khớp về tâm lý. Thế nhưng, đằng sau cái được có thể đong đếm ấy, người ta đã nhận ra rằng, tâm lý sính ngoại đã khiến các đội bóng và ĐTQG phải trả giá đắt. Bây giờ, tiền chi cho cầu thủ ngoại lên đến 40 - 50% tổng kinh phí của đội bóng. Lúc đỉnh cao, kinh tế phát triển, ngân sách dồi dào thì không nói làm gì, nhưng lúc khó khăn, các đội bóng nhận ra rằng, cầu thủ ngoại đang mang đến gánh nợ cho mình. Nghiệt một nỗi, họ không thể tự thoát mình ra khỏi mê hồn trận đó vì sợ, nếu không tiêu hoang thì thua thiệt với cả làng. Đội bóng phải è cổ để gánh những khoản chi cho cầu thủ ngoại, đội tuyển thì lâm vào tình cảnh khủng hoảng nhân tài. Có một nghịch lý là ĐTQG bây giờ phải trọng dụng những tiền đạo đang thi đấu ở hạng Nhất, hoặc phải dùng những gương mặt cũ vì tìm mãi cũng chẳng thấy ai khả dĩ cả. Việc đội U23, ĐT Việt Nam thua liểng xiểng thời gian qua một phần cũng vì tác động tiêu cực của mốt sính ngoại của bóng đá Việt Nam. Thế nên, một việc cần phải làm ngay của VFF là sớm cắt giảm sự lệ thuộc vào cầu thủ ngoại. Người ta dự tính rằng, giải hạng Nhất sẽ không có ngoại binh. Tiếp đó, V - League cũng phải giảm số lượng cầu thủ ngoại và nhập tịch. Ai cũng hiểu, muốn cứu đội tuyển và cả các đội bóng thì buộc lòng phải có định hướng đúng về cầu thủ ngoại. Chỉ có điều, không phải ai cũng hào hứng với chiến lược không ngoại binh bởi họ được hưởng lợi nhiều từ những thương vụ chuyển nhượng đình đám. Vậy nên, để hình thành được chiến lược và thực thi nó thật chẳng dễ chút nào và bóng đá Việt Nam sẽ phải tiếp tục trả những cái giá rất đắt để có được thành công.