Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành chỉ đạo của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm khi cho rằng những kết quả đã đạt được là rất đáng trân trọng.

Hôm nay (1/11), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ hai thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.
Tại phiên làm việc sáng, các đại biểu đã có nhiều đánh giá cao về bức tranh kinh tế trong 9 tháng đầu năm với nhiều chuyển biến ấn tượng, dấu ấn của Chính Phủ đã ngày càng rõ nét trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu khí.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá, 2017 là thời điểm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng với những kết quả mà kinh tế Việt Nam đã đạt được từ đầu năm là rất đáng trân trọng. Không chỉ kinh tế vĩ mô ổn định, kỷ luật tài chính cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Cũng theo đại biểu để có được những kết quả trên, Chính phủ đã rất tích cực và cầu thị khi chỉ ra những hạn chế, nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục đối với DNNN, bộ máy hành chính... kiên quyết xử lý các tồn đọng đặc biệt là đối với những dự án thua lỗ kéo dài. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có thêm các gói giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là lợi thế quốc gia, đại biểu Ngân đề xuất.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế từ đầu năm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, những kết quả đã đạt được đang gây ngạc nhiên lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt, cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của Người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ: "Tôi thực sự xúc động, vui mừng, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nhân trẻ, sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ qua việc công bố “sách trắng”, tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2 và mới hôm qua là ra mắt cộng đồng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là minh chứng hùng hồn nhất cho những cam kết và quyết tâm này".
Tuy nhiên theo đại biểu, trong những năm tới cần tiếp tục duy trì luồng sinh khí này vẫn liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Đây là điều kiện cơ bản nhất của hoạt động kiến tạo - điều mà Chính phủ đang từng ngày cam kết với doanh nghiệp và người dân. “Làm sao để rời vai những gã khổng lồ và tự đứng trên đôi chân của mình hay không là câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời”, đại biểu Nhân nói.
Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá 2017 là năm "được mùa" khi lần đầu tiên cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý khi công tác điều hành của Chính phủ vẫn rất thận trọng, không quá lạc quan với những kết quả đã đạt được mà đi đôi với đó vẫn luôn có những giải pháp tích cực để thúc đẩy phát triển bền vững.
Đối với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra trong năm 2018 là từ 6,5 - 6,8%, đại biểu Lộc cho rằng đây là con số thận trọng nhưng cần thiết đối với bối cảnh kinh tế của Việt Nam trong năm tới. Để làm được điều này, Chính phủ cần tiết kiệm chi ngân sách, quản lý chặt chẽ đối với nợ công để đưa về mức an toàn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng có tiền không tiêu được, ngoài ra cần cân đối lại việc thu - chi ngân sách. Bên cạnh đó công tác tinh giản biên chế cũng như quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo địa phương cũng cần được đẩy mạnh.
Về phía đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế) cũng đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ đồng thời cho rằng điều này đã tạo niềm tin và sự phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Vai trò kiến tạo của Chính phủ được thể hiện rõ trong việc cung cấp dịch vụ công với phương châm thân thiện, đúng hẹn, người dân và doanh nghiệp có thể tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, có chiến lược quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế số ...
Cùng ý kiến với các đại biểu Thọ, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, năm 2017 đã thể hiện đầy đủ nỗ lực quyết tâm, chủ động, nhanh nhạy, sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, do đó hiệu quả mang lại ở mức cao. Chính phủ đã kiên trì bám sát các mục tiêu và chủ động sáng tạo trong vận dụng các giải pháp, điều hành chính sách linh hoạt, phát triển đồng bộ thị trường, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối, thu hút nhiều nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời và phát triển, tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực, 13 chỉ tiêu ước tính sẽ đạt và vượt.
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Phong, vẫn còn đó những hạn chế yếu kém tạo ra nhiều thách thức mà Chính phủ (đã nêu trong báo cáo) phải đối mặt, cần phải có sức kiên trì, bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao cũng như sự đồng thuận của toàn bộ máy chính trị mới có thể khắc phục. Trong thời gian tới Chính phủ cần chọn hướng ưu tiên, chuyển hướng đầu tư để hiệu quả cao hơn, đảm bảo sinh lợi, tăng năng xuất chuyển hóa và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đại biểu đề nghị.
Cũng đánh giá cao các kết quả mà Chính phủ đạt được trong những tháng qua, nhưng đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) không quên lưu ý, để Chính phủ thực sự là kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đại biểu, Chính phủ cần dấn thân hơn nữa vào những vụ việc khó, phức tạp mang tính đụng chạm như xử lý cán bộ vi phạm, chống lợi ích nhóm, tinh gọn bộ máy và giảm biên chế, cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung hoàn thiện thể chế cải cách hành chính, thành lập tổ công tác của Thủ tướng. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành và địa phương.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đồng tình với nhìn nhận thẳng thắn của Chính phủ về 6 nhóm tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Đại biểu cũng nhấn mạnh một số hạn chế cần được phân tích thấu đáo và có giải pháp xử lý căn cơ. Cụ thể là, chưa tập trung đồng bộ, xử lý các dự án thua lỗ nặng, đặc biệt là 12 dự án của Bộ Công Thương đến nay, việc xử lý rất chậm. Các bộ, ngành rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ? Và đã có giải pháp như thế nào? Theo đại biểu, phải có giải pháp quyết liệt gắn với cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để báo cáo với Quốc hội và thông tin tới cử tri.
Cũng theo đại biểu, Chính phủ quyết liệt nhưng còn một số bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương vẫn chưa sâu sát, chưa chủ động tháo gỡ cho người dân, chậm xử lý kiến nghị đề xuất. Vì vậy, ngoài giải pháp về kinh tế vĩ mô, ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục phát triển chỉ tiêu KT-XH năm 2018, đại biểu đề nghị sớm khắc phục những yếu kém trên, tạo niềm tin, động lực cho tăng trưởng bền vững với giải pháp thiết thực, kịp thời từ Chính phủ xuống đến các bộ, ngành, địa phương.