Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách trong Luật Đất đai

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính phủ đã có Tờ trình số 224/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau 7 năm, bên cạnh những kết quả đạt được Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo. Trong đó, dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản bước phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời...
Thực tế những năm qua, các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại. Vấn đề sửa đổi Luật Đất đai đã được đưa ra bàn bạc nhiều lần với kỳ vọng sẽ giải quyết một cách căn cơ những tồn tại, hạn chế bất cập của Luật hiện hành, khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài; đồng thời tạo ra đột phá trong cải cách thể chế, thúc đẩy sự phát triển.
  Việc nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai đang là yêu cầu bức thiết từ thực tiễn.
Ngày 14/6/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, trong đó giao Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Trong tờ trình, Chính phủ cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với một số luật hiện hành như: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…
Trên cơ sở làm rõ các vấn đề liên qua, tính cấp thiết và trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Chính phủ đã đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) nhằm sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.
Chính phủ cũng chỉ rõ, những chính sách lớn, cần phải chờ tổng kết Nghị quyết T.Ư và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu; sau khi có kết quả tổng kết và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất bổ sung trong quá trình soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thực hiện đánh giá tác động bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể 11 nhóm chính sách gồm: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính;
Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất.
Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan;
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải  tạo, nâng cao chất lượng đất đai;
Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;
Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai;
Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn;
Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất;
Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.