Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ nhiệm kỳ mới giảm 1 Phó Thủ tướng

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV sẽ kiện toàn 50 chức danh, trong đó có 4 Phó Thủ tướng, thay vì 5 Phó Thủ tướng như nhiệm kỳ vừa qua.

 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo
Ngày 17/7, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tuy nhiên, theo luật định, chậm nhất 60 ngày sau cuộc bầu cử, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới phải tiến hành. Kỳ họp đầu tiên với trọng tâm là kiện toàn nhân sự cấp cao Nhà nước nên các đại biểu sẽ họp tập trung, thực hiện bỏ phiếu kín.
Theo dự kiến chương trình, kỳ họp khai mạc vào ngày 20/7 và bế mạc vào 31/7, rút ngắn 5 ngày so với dự tính ban đầu.
Kỳ họp lần này rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung Quốc hội bầu, phê chuẩn, kiện toàn nhân sự chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Quốc hội sẽ bầu hoặc phê chuẩn 50 chức danh, trong đó khối Chính phủ sẽ kiện toàn 4 vị trí Phó Thủ tướng (giảm một Phó Thủ tướng).
Ông Bùi Văn Cường cho biết đây là điểm mới, 4 Phó Thủ tướng được giới thiệu để kiện toàn tại kỳ họp thứ nhất cơ bản là những nhân sự đang giữ chức vụ này ở thời điểm hiện tại (trừ trường hợp Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình không tham gia Ban chấp hành Trung ương khoá XIII).
Cho biết thêm về công tác nhân sự, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, về cơ cấu Chính phủ, sau khi xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và trên cơ sở cân nhắc tổng thể công tác cán bộ nhiệm kỳ qua, trước mắt, Quốc hội bầu và phê chuẩn 27 chức danh, gồm Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Như vậy, Chính phủ sẽ giảm một Phó Thủ tướng.

Cũng tại họp báo, ông Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh, yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ họp thứ nhất được đặt lên hàng đầu. Đối với một số địa phương phía Nam, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, do đó, một số đại biểu Quốc hội là lãnh đạo chủ chốt của địa phương sẽ vắng mặt để tập trung chống dịch. Bên cạnh đó, một số đại biểu thuộc diện F1, F2 cũng sẽ vắng mặt do thực hiện cách ly y tế.

Để bảo đảm an toàn, tính đến thời điểm hiện tại, có 435 đại biểu Quốc hội (chiếm 87% tổng số đại biểu) đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 ít nhất 1 mũi; 64 đại biểu đang được tiếp tục cập nhật thông tin về tiêm phòng. Bên cạnh đó, hơn 80% cán bộ phục vụ kỳ họp của Văn phòng Quốc hội; 386 cán bộ thuộc văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cũng đã được tiêm vắc xin. Các đại biểu Quốc hội sẽ được xét nghiệm 3 lần tại địa phương trước khi tham dự kỳ họp. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì đại biểu sẽ tiếp tục được xét nghiệm thêm 2 lần nữa tại Hà Nội.

Các đại biểu tại địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh sẽ ở khách sạn riêng, có phương tiện riêng đưa đón, vào Nhà Quốc hội theo lối riêng và ngồi họp tại khu vực riêng. Văn phòng Quốc hội đã xây dựng phương án, tính toán các tình huống để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ họp.

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 11,5 ngày, khai mạc ngày 20/7, bế mạc ngày 31/7 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội).

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Quốc hội cũng sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ...

“Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội. Các lễ tuyên thệ sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội cũng sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề.