Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết với 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 25/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên của Chính phủ đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các địa phương trên toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013.

Kinh tế tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế

Đó là kết quả nổi bật, được khẳng định trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012.

Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết với 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1

 Hội nghị của Chính phủ với các địa phương (25-26/12) triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. - Ảnh: VGP

Nổi bật, thị trường trong nước năm 2012 cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức thấp trong những tháng đầu năm, trong đó có trị số âm trong 2 tháng liên tiếp là tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của cả năm trước và đạt mục tiêu đề ra.

Chính sách tiền tệ đã được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8% so với cuối năm 2011, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát; tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.Trong năm 2012, các cấp các ngành cùng với cộng đồng doanh nghiệp tích cực tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước đạt khoảng 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra (13%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 114,35 tỷ USD, chỉ tăng 7,1% so với năm 2011. Xuất siêu cả năm 2012 khoảng 284 triệu USD, bằng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với sự nỗ lực trên của Chính phủ,  năm 2012 đã đưa kinh tế đất nước tiếp tục phát triển, tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 5,03%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 6-6,5% nhưng đây là mức tăng trưởng hợp lý trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Nông nghiệp được mùa, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,72%, công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 4,52%, dịch vụ tăng khoảng 6,42%...

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% so với dự toán, tăng 5,3% so với năm 2011; chi NSNN năm 2012 ước đạt 904,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,11% so với dự toán, tăng 14,6% so với năm 2011. Bội chi NSNN bằng 4,8% GDP; nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với kế hoạch, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi chậm; tồn kho còn ở mức khá cao; lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nợ xấu ngân hàng chậm được xử lý; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn… là những nội dung quan trọng được chính phủ quan tâm cho các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong năm 2013.

9 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn năm 2013

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2013 tình hình kinh tế đất nước nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013.

Trong đó, mục tiêu tổng quát (đã được Quốc hội thông qua) với tổng sản phẩm trong nuớc (GDP) tăng khoảng 5,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn năm 2012. Chính phủ sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp chính.

Ngoài ra, Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết riêng về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, bao gồm 4 nhóm công việc là: Giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về vốn, tín dụng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS)…

Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết với 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo thành phố dự hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Ảnh: Anh Quý

Páht biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng thay mặt thành phố kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; xem xét khoanh nợ xấu, giảm lãi suất tín dụng, thiết lập các gói tài chính hỗ trợ; chỉ đạo cụ thể hóa một số quy định của Luật Thủ đô. Đồng thời, cho phép TP hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động cho các DN đang có thị trường tiêu thụ hàng hóa và kế hoạch sản xuất đến năm 2013, đang cần nguồn vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đề nghị các bộ, ngành sớm đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh, bổ sung các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai; Bộ Tài chính hỗ trợ TP đôn đốc thu thuế đối với doanh nghiệp Trung ương quản lý, thu chênh lệch thu chi ngân hàng, thu từ dầu khí và lãi được chia, thu từ dầu thô..

Ngày 26/12, hội nghị tiếp tục làm việc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu kết luận và thông qua các Nghị quyết thường kỳ của Chính phủ về điều hành kinh tế xã hội và thu chi ngân sách năm 2013.

9 nhóm giải pháp năm 2013 của Chính phủ

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát;

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng;

Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân;

Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khi hậu;

Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa;

Bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại;

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.