Chinh phục thế giới bằng thương hiệu Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành trình đưa thương hiệu vượt khỏi biên giới quốc gia không chỉ chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần đến những nỗ lực, chiến lược kinh doanh táo bạo của các DN Việt. Thời gian qua, với sự đồng hành của Chính phủ, nhiều DN đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ góp phần hoàn thành những “giấc mơ lớn”, đưa thương hiệu quốc gia (THQG) vươn tầm quốc tế.

Đại diện Vinamilk giới thiệu đến người tiêu dùng Nga những sản phẩm chất lượng, đa dạng của Vinamilk.
Nỗ lực bứt phá
Được thành lập từ năm 1976, sau gần 43 năm đổi mới và phát triển, Vinamilk đã vươn lên và khẳng định vị thế thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam với hơn 200 chủng loại sản phẩm dinh dưỡng các loại. Vinamilk hiện chiếm hơn 50% thị phần ngành sữa cả nước. Không chỉ tập trung phát triển thị trường trong nước, Vinamilk còn mang THQG của Việt Nam đến tay người tiêu dùng tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand. Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD.
Vinamilk chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình minh chứng cho sự bứt phá ngoạn mục của DN trong việc tiên phong đưa các sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu. Ngoài ra, còn rất nhiều các THQG khác như Viettel, Vietnam Airlines, Hòa Phát, Kềm Nghĩa, Pinaco, Nutifood… không những thành công ở thị trường nội địa mà còn ghi đậm dấu ấn trên thị trường thế giới, từ đó quảng bá và giúp thương hiệu Việt Nam thăng hạng.
Theo công bố bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2018 của Brand Finance (hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh), thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và xếp thứ 43 thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Việt Nam hiện xếp thứ 6. Brand Finance cho rằng, Việt Nam đạt kết quả đó là do đóng góp của Chương trình THQG - Vietnam Value và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Thước đo sức khỏe DN
Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Đó cũng là lý do, từ năm 2018, Chính phủ triển khai Chương trình THQG nhằm khuyến khích DN theo đuổi các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong” để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển DN. Trải qua 6 kỳ bình chọn (2 năm/lần), các DN đã chứng tỏ sự ổn định, nhất quán trong thương hiệu sản phẩm của mình.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội mà những hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế thì cũng có rất nhiều thách thức cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đồng hành, hỗ trợ DN trong việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu DN ra thị trường trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu chứ không làm thay DN.
Mới đây, tại buổi gặp mặt 97 DN có sản phẩm đạt THQG năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sức khỏe của DN chính là sức mạnh của nền kinh tế. Thương hiệu chính là nhiệt kế, là thước đo quan trọng hàng đầu cho sức khỏe của DN.
Có thể nói thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với một DN trong thời đại kinh tế hội nhập, cạnh tranh. Nếu DN không chú trọng xây dựng thương hiệu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình kinh doanh, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh về giá cả, chất lượng, để tận dụng ưu thế của Chương trình THQG đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Tổng Giám đốc Công ty CP Vicostone Phạm Anh Tuấn: Động lực giúp doanh nghiệp Việt phát triển
Chinh phục thế giới bằng thương hiệu Việt - Ảnh 2
 
Năm 2018, thương hiệu Vicostone thuộc tập đoàn Phenikaa lần đầu tiên tham gia chương trình và tự hào là một trong 97 DN được vinh danh “Thương hiệu Quốc gia 2018”.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu Vicostone, thời gian qua, chúng tôi đã tiên phong áp dụng, phát triển công nghệ và vật liệu mới, có lợi thế cạnh tranh dài hạn, phát triển bền vững.
Các giải pháp này đã giúp chúng tôi trở thành Tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trong khu vực và quốc tế tại lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao và vật liệu sinh thái. Chúng tôi xây dựng DN và thương hiệu DN với định hướng chiến lược lấy sản xuất công nghiệp là kinh doanh cốt lõi, vật liệu sinh thái và sản phẩm công nghệ cao là mũi nhọn, tăng dần tỷ trọng tham gia chuỗi cung ứng cho các sản phẩm công nghệ cao.
Việc được vinh danh “Thương hiệu Quốc gia 2018” là sự ghi nhận cho những nỗ lực xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu Vicostone với mục tiêu xây dựng và khẳng định chất lượng, uy tín và sức mạnh của một thương hiệu Việt trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Nha Trang (ghi)
Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor Dương Quốc Tuấn: Tấm vé thông hành để hội nhập
Chinh phục thế giới bằng thương hiệu Việt - Ảnh 3
 
Qua 6 năm liên tiếp (kể từ năm 2003), Austdoor là thương hiệu cửa cuốn duy nhất được công nhận danh hiệu THQG. Đây là kết quả tổng hợp những giá trị về uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm, quy mô, công nghệ thiết bị, con người và cả những đóng góp cho cộng đồng, xã hội mà Austdoor đã tích lũy trong 15 năm hình thành và phát triển.
Austdoor không ngừng nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp vật liệu hàng đầu, mang tới các sản phẩm cửa cuốn chất lượng quốc tế, thay thế hàng nhập khẩu.
Đạt được THQG chỉ là bước khởi đầu, việc duy trì và phát huy hơn nữa những kết quả này mới là mục tiêu tiếp theo của Austdoor. Tập đoàn đã đề ra chiến lược phát triển vươn ra tầm khu vực, đặc biệt là các nước Asean, THQG có thể xem như một tấm vé thông hành giúp Austdoor tự tin hội nhập, ghi dấu ấn một thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc tế.
Trâm Anh (ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần