Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền Baltimore nỗ lực đối phó với bạo loạn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (28/4), hàng ngàn vệ binh quốc gia Mỹ đã có mặt tại Baltimore, tiểu bang Maryland sau khi cuộc biểu tình của cộng đồng người da màu phản đối tình trạng phân biệt đối xử biến thành bạo loạn.

Tình trạng bạo loạn diễn ra từ hôm qua (27/4) chỉ vài giờ sau khi diễn ra lễ tang của Freddie Gray - một thanh niên da màu 25 tuổi đã qua đời sau khi bị cảnh sát giam giữ.
Người biểu tình giận dữ la hét trước hàng rào cảnh sát.
Người biểu tình giận dữ la hét trước hàng rào cảnh sát.
Theo thông tin từ truyền thông địa phương, Gray đã bị chấn thương cột sống trong lúc bị cảnh sát giam giữ, dẫn đến tử vong vào ngày 19/4 sau 1 tuần rơi vào tình trạng hôn mê. Mặc dù, đại diện cảnh sát địa phương cho biết, Gray đã được điều trị y tế tại hiện trường khi bị bắt, nhưng nhiều nhân chứng cho rằng, thực tế không diễn ra như vậy nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc này. Hiện đã có 6 cảnh sát liên quan đến sự việc này bị bắt và bị Sở Tư pháp điều tra.

Bạo loạn bùng phát
Kể từ vụ thiếu niên da màu Michael Brown không vũ trang bị một sĩ quan cảnh sát ở bang Missouri bắn chết hồi năm ngoái, các cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt đối xử đã bùng phát trên khắp nước Mỹ. Cái chết của Freddie Gray là sự cố mới nhất thổi bùng lên sự giận dữ của cộng đồng da màu khi cho rằng, tình trạng cảnh sát da trắng phân biệt chủng tộc không giảm bớt khi Mỹ có Tổng thống da màu đầu tiên mà còn gia tăng với mức độ, quy mô ngày càng nghiêm trọng.
Một cửa hàng tiện lợi bị cướp phá.
Một cửa hàng tiện lợi bị cướp phá.
Những người quá khích đã la hét, ném gạch đá vào cảnh sát, đốt phá xe cảnh sát và một số cửa hàng và ít nhất 24 người biểu tình đã bị bắt giữ trong vụ bạo loạn hôm qua. Trước khi đêm xuống, một nhà thuốc trong khu vực bị phóng hỏa, các cửa hàng tiện lợi bị cướp phá và một số xe tuần tra của lực lượng an ninh cũng bị phá hỏng.

Trong khi đó, khoảng 15 người gồm cảnh sát và nhân viên công vụ đã bị thương. Cảnh sát trưởng Baltimore Eric Kowalczyk cho biết, các cảnh sát đã bị gãy xương, một vài người chưa thể phục hồi. Đồng thời khẳng định cảnh sát sẽ hành động để kiểm soát các cuộc bạo loạn. Không chỉ cảnh báo về sự xuất hiện của “hơi cay và đạn hạt tiêu”, cảnh sát trưởng Eric Kowalczyk còn khẳng định “sẽ tìm ra những người phải chịu trách nhiệm và đưa chúng vào tù”. Trong bối cảnh rối ren hiện tại, những tuyên bố của người đứng đầu cảnh sát Baltimore càng khiến cộng đồng người da màu tại đây giận dữ.
Một chiếc xe cảnh sát bị đập phá, phóng hỏa.
Một chiếc xe cảnh sát bị đập phá, phóng hỏa.
Nỗ lực vãn hồi trật tự
Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake cho biết, “có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người biểu tình ôn hòa đòi công lý và những kẻ côn đồ muốn kích động bạo lực”. Người thân của Freddie Gray cũng cho rằng, cuộc biểu tình và bạo loạn kiểu này chắc chắn không phải vì Gray.

Dù mục đích của cuộc bạo động vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong lòng nước Mỹ nhưng có một điều chắc chắn là hậu quả của nó sẽ rất nặng nề, làm tăng thêm khoảng cách giữa cộng đồng người da màu và lực lượng thực thi an ninh da trắng.

Các quan chức Baltimore ví cuộc bạo động hôm qua rất giống vụ ám sát lãnh đạo dân quyền da đen, TS luật sư Martin Luther King cũng vào tháng 4/1968. Khi đó, bầu trời Baltimore đen kịt bởi khói của 800 vụ phóng hỏa xảy ra trong 72 giờ, hơn 1000 cửa hàng bị cướp phá và phải mất một thời gian dài trật tự mới được lập lại. Vì thế không ngạc nhiên khi lãnh đạo bang và thành phố này phải nhanh chóng có bước đi phù hợp để vãn hồi trật tự.
Cảnh sát nỗ lực dập tắt các đám cháy.
Cảnh sát nỗ lực dập tắt các đám cháy.
Trong một nỗ lực nhằm ứng phó với làn sóng biểu tình bạo lực ngày càng leo thang tại thành phố Baltimore, tối 27/4, ông Larry Hogan - Thống đốc bang Maryland đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời đặt lực lượng Vệ binh Quốc gia vào tình trạng báo động cao.
Lực lượng vệ binh quốc gia có mặt tại Baltimore để bảo đảm an ninh.
Lực lượng vệ binh quốc gia có mặt tại Baltimore để bảo đảm an ninh.
Trong khi đó, Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake cho biết chính quyền sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài trong 1 tuần, từ 22 giờ đến 5 giờ sang, bắt đầu từ hôm nay (theo giờ địa phương) và lệnh này sẽ được gia hạn nếu cần thiết. Trước đó, Tổng thống Barack Obama tuyên bố chính quyền liên bang sẽ hỗ trợ hết mình trong trường hợp cần thiết.