Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền ông Trump "đẩy" Nga và Cuba xích lại gần nhau

Hương Thảo (Pravda)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một chính sách khó chịu với Havana của chính quyền Trump đang góp phần kéo Moscow lại gần khu vực Mỹ Latinh hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CubaDebate  
Tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel sẽ bắt đầu chuyến thăm Moscow vào hôm nay (2/11), và dự kiến sẽ ký một hợp đồng vay 50 triệu USD để mua vũ khí Nga. Đây hẳn là tin không vui đối với Washington, khi trong một tuyên bố hôm 1/11, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton cho biết Bộ ngoại giao nước này sẽ phong tỏa giao dịch tài chính của hơn 20 thực thể thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của các cơ quan quân sự hoặc tình báo Cuba.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã từng nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba bằng loạt động thái như mở một đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Havana hay thay đổi chế độ visa để tạo điều kiện cho khách du lịch Mỹ tới Cuba, bao gồm cả điều trị y tế.
Tuy nhiên kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ vào năm 2016, chính quyền Washington đã phá hủy mọi chính sách Cuba, được coi như là một di sản của người tiền nhiệm. 
Trong khi chính quyền ông Trump tiếp tục đưa ra những quyết định khó lường đe dọa quan hệ của Mỹ với nhiều nước láng giềng, thì Nga vẫn tiếp tục tham gia vào diễn đàn "Nga-Mỹ Latinh và vùng Caribe" trong năm thứ 2 liên tiếp. Diễn đàn được tổ chức như một phần của Hội chợ Quốc tế lần thứ 36 (Fihav), đã thu hút khoảng 3.000 doanh nhân đến từ 65 quốc gia. 
Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư nước ngoài của Cuba (MINCEX), Rodrigo Malmierca Díaz, đã gọi Nga là đối tác chiến lược, khi công bố kim ngạch thương mại giữa Nga và Cuba năm ngoái tăng 17% và đạt khoảng 300 triệu USD. Người đứng đầu MINCEX cũng nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, Cuba đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản nợ có cơ cấu trị giá 3,2 tỷ USD sau khi đã được Nga xóa tổng cộng 32 tỷ USD vào năm 2013 - bất chấp sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với đảo quốc vùng Caribe.
Vladimir Davydov, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định với Pravda rằng Cuba có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực, bởi nước này nằm ở ngã tư của nhiều tuyến đường biển và hàng không. Các hãng hàng không Nga, chẳng hạn như Aeroflot, trong khi phát triển mạng lưới tại châu Mỹ Latinh, có thể tin cậy vào các sân bay của Cuba để dừng chân và bảo trì.