Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách đang bị doanh nghiệp lợi dụng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Biên độ mà doanh nghiệp (DN) đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ xăng dầu tương ứng theo Nghị định 84/2009/NĐ - CP là trường hợp "các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% so với giá bán lẻ hiện hành".

Tần suất theo quy định hiện hành là "tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá". Trong những lần tăng giá gần đây, các (DN đã tận dụng triệt để tần suất "tối thiểu" này.

Đến hẹn lại… xin tăng

"Đúng hẹn" sau 10 ngày kể từ lần điều chỉnh giá vào ngày 1/8 (giá xăng tăng 900 đồng/lít), các DN kinh doanh xăng dầu lại đề xuất điều chỉnh tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng. Mức đăng ký tăng phổ biến lên tới 1.400 đồng/lít và giá 3 mặt hàng dầu dự kiến tăng 600 - 800 đồng/lít, tùy loại.

Các DN xăng dầu đầu mối tính toán, hiện giá cơ sở theo bình quân 30 ngày đang cao hơn khoảng 1.000 đồng/lít xăng so với mức giá bán lẻ hiện nay (21.900 đồng/lít). Nếu tính giá bình quân theo 10 ngày, tham số chỉ được Bộ Tài chính coi là tham khảo thì DN lỗ 1.800 - 1.900 đồng/lít xăng.

Theo lãnh đạo một số DN, giá dầu thế giới tăng cao đúng vào thời điểm Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động (hàng từ Dung Quất chiếm 30% lượng hàng của DN). Do đó, nếu nguồn hàng thời điểm này hết, bắt buộc DN phải nhập hàng mới với giá cao. Sau một đến hai ngày, DN gửi đề xuất lên Bộ Tài chính, nếu Bộ không có ý kiến, DN sẽ chủ động chọn thời điểm và mức giá điều chỉnh.

Ngay sau thông tin DN xăng dầu xin tăng giá, trên các diễn đàn nhiều người dân tỏ ra bức xúc: Chưa đầy một tháng (từ 20/7 đến nay) giá xăng tăng hai lần, tổng cộng 1.300 đồng/lít, giờ lại kiến nghị tăng tới 1.400 đồng. Vật giá tăng liên tục như vậy chỉ khiến cho cuộc sống của người dân và DN đang rất khó khăn lại càng khó hơn.

Phải tính đến thu nhập xã hội

Bình luận về khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong thời điểm rất khó khăn này, việc trích quỹ bình ổn cần được tính đến hoặc ít nhất là tạm dừng trích quỹ để giảm mức tăng giá của những mặt hàng này.

Chính sách đang bị doanh nghiệp lợi dụng? - Ảnh 1

Giá xăng liên tục tăng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Ảnh:  Linh Anh

Ở thời điểm hiện tại, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng ở mức 12%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và phí bảo vệ môi trường hợp 1.000 đồng/lít.  Theo các DN xăng dầu đầu mối, thuế và phí đang chiếm khoảng 26% trong giá vốn của mặt hàng xăng và trên 20% của mặt hàng dầu. Tính ra, Nhà nước đánh thuế và phí từ 5.500 đến 6.000 đồng/lít. Các chuyên gia kiến nghị, Nhà nước cần cân nhắc các công cụ điều hành, nên hạ một phần thuế nhập khẩu. Làm như vậy sẽ giúp kéo giá thành của các lô hàng nhập khẩu trong thời gian tới xuống, qua đó chặn đà tăng giá, hạn chế mức tăng theo đề xuất của DN, giảm sức ép cho  nền kinh tế và người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long bình luận: Chuyện tăng, giảm giá của xăng dầu hiện nay đã là chuyện bình thường, không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, tăng ở mức độ nào, thời điểm nào rất cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để hài hòa lợi ích của các bên. Đặc biệt phải lưu ý đến tình hình DN đang rất khó khăn, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.

Giá xăng, dầu ảnh hưởng tất cả các ngành kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, chính vì thế, trong điều kiện vẫn còn độc quyền với quyền chi phối nằm ở một vài DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối, sẽ rất khó có thể phản ánh đúng giá thị trường. DN kinh doanh xăng dầu hiện cứ báo lỗ nhưng không ai kiểm chứng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra lượng hàng tồn, hàng dự trữ kết hợp với sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua hệ thống thông tin từ hải quan, từ thuế và lực lượng quản lý thị trường phải được thực hiện.

Lãnh đạo Cục quản lý giá, Bộ Tài chính từng cho biết, sẽ giới hạn mức tăng trong từng lần điều chỉnh, vừa để DN không thể tùy tiện tăng giá bất hợp lý, vừa đảm bảo tính kiểm soát tăng giá của Nhà nước. Song với giá bán lẻ xăng RON 92 là 21.900 đồng/lít hiện hành, về nguyên tắc, với tần suất 10 ngày và biên độ thấp nhất đến 7% như hiện nay, việc giới hạn mức tăng liệu còn có ý nghĩa? Và kẽ hở này có được bịt lại trong lần sửa đổi Nghị định 84?