KTĐT - Ngày 22/10, tại buổi thông báo nội dung Nghị định số 88/NĐ-CP/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trao đổi với phóng viên ông Phùng Văn Nghệ (ảnh), quyền Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, những quy định tại Nghị định không chỉ rút ngắn thời gian so với quy định trước đây mà chính sách mới sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi làm giấy chủ quyền nhà đất.
- So với quy định cũ, người dân được lợi gì hơn trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất, thưa ông?
- Điểm khác biệt đầu tiên là thời gian cấp GCN giảm đi khá nhiều. Nếu như cấp GCN lần đầu trước đây là 85 ngày thì nay không được quá 50 ngày. Cấp đổi có bổ sung tài sản trước là 40 ngày giờ chỉ còn 30 ngày... Tiếp đó, quy trình, thủ tục rõ trách nhiệm và thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Người dân chỉ phải tới “một cửa”, nộp hồ sơ tại đâu thì nhận GCN tại đó. Một đầu mối này sẽ xử lý các thủ tục liên quan và người dân không phải chạy đi chạy lại nhiều “cửa”. Mẫu GCN mới lồng ghép nội dung của “sổ đỏ” và “sổ hồng” trước đây, có tính kế thừa chứ không phải hủy bỏ hoàn toàn những đặc điểm trước đây. Ngoài ra, người dân nếu có nhu cầu cấp đổi từ các loại GCN cũ (đã cấp) sang mẫu GCN mới sẽ không phải đóng phí.
- Đến thời điểm này vẫn còn nhiều huyện chưa lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, vậy người dân sẽ nộp hồ cấp GCN ở đâu?
- Đúng là có nhiều huyện còn chưa có văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Kỳ này, Chính phủ chỉ đạo tất cả các huyện đều phải lập văn phòng này. Trường hợp chưa có cũng không sao bởi Phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện sẽ nhận và thụ lý hồ sơ cấp GCN cho người dân.
- Từ nay tới ngày 10/12/2009, các địa phương có tiếp tục cấp “sổ hồng”, “sổ đỏ” theo quy định cũ không, thưa ông?
- Nghị định số 88 có hiệu lực từ 10/12/2009. Như vậy, trước thời điểm đó, các địa phương vẫn áp dụng các quy định cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng” như trước. Từ ngày 10/12, các địa phương mới dừng cấp theo quy định cũ và bắt đầu cấp GCN mới theo một đầu mối như quy định tại Nghị định số 88 của Chính phủ.
- Bộ TN&MT đã nhiều lần đề xuất giảm lệ phí trước bạ khi cấp GCN lần đầu nhưng vì sao chưa thấy đề cập trong chính sách mới?
- Bộ TN&MT đã đề xuất giảm lệ phí trước bạ khi cấp GCN từ 0,5% xuống 0,2%. Nhưng khi thảo luận thấy vấn đề đó thuộc phạm vi đề xuất của Bộ Tài chính nên tiếp tục cân nhắc chứ chưa đưa nội dung đó vào Nghị định số 88 của Chính phủ. Theo quy định mới, mức lệ phí đó sẽ do UBND tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định.
- Xin ông cho biết, trường hợp xây nhà trên đất lấn chiếm có được cấp giấy chủ quyền mới không?
- Nguyên tắc đầu tiên là xây dựng nhà ở hợp pháp mới được cấp GCN chứ xây trên đất lấn chiếm hay đất có tranh chấp sẽ không được cấp chủ quyền. Khi xây nhà phải xin cấp phép và cơ quan có thẩm quyền phải cho phép thì sau này mới nói tới chuyện cấp giấy. Ở trường hợp khác (con xây nhà trên đất của bố), thì cũng phải có sự đồng thuận của chủ sử dụng đất hiện hữu mới có thể cấp chứng nhận sở hữu nhà ở.
- Hợp đồng góp vốn thực hiện trước 10/12/2009 có được cấp GCN mới không, thưa ông?
- Đối với những địa phương đã có sàn giao dịch bất động sản thì những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của tổ chức đầu tư xây dựng để bán từ ngày 10/12/2009, trong hồ sơ cấp GCN, phải có giấy tờ chứng minh việc nhận chuyển nhượng được thực hiện tại sản giao dịch. Quy định này áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhà ở còn người dân thì chuyển nhượng thì không vấn đề gì. Còn trường hợp góp vốn trước 10/12/2009 thì vẫn được cấp GCN bình thường như quy định.
- Vậy bao giờ thì chính thức phát hành mẫu GCN mới?
- Bộ TN&MT hiện nay đã in đủ số phôi GCN mẫu mới. Ngay đầu tuần sau, chúng tôi sẽ chuyển về cho các địa phương, đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ để có thể cấp mẫu GCN mới cho người dân từ ngày 10/12/2009. Và, nếu trong quá trình cấp GCN mới mà cán bộ nào nhũng nhiễu, tiêu cực ở khâu nào thì người ấy chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn ông!