Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 1/2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 1/2016, nhiều chính sách nổi bật liên quan đến tiền lương, BHXH của người lao động, lệ phí thẻ căn cước công dân, quy định về cấp giấy phép lái xe... bắt đầu có hiệu lực.

1. Hướng dẫn mới về tiền lương của người lao động

Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Theo đó:

- Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương là tiền lương theo hợp đồng lao động. 

- Tiền lương trả cho một ngày làm việc xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (số ngày làm việc bình thường trong tháng không quá 26 ngày). 

- Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.

2. Chính sách BHXH một lần đối với người lao động

Từ 1/1/2016, Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sẽ có hiệu lực. Theo đó:

- Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.

- Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Bên cạnh đó Nghị quyết 93/2015/QH13 cũng quy định mức hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện, cụ thể cứ mỗi năm được tính như sau: 

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

3. Quy định mới về cấp giấy phép lái xe

Theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì:

- Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

- Theo Điều 57 Thông tư 58/2015/TT-BGTV, Giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau:

+ Giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: trước ngày 31/12/ 2016.

+ Giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31/12/2020.

Sau 06 tháng theo lộ trình chuyển đổi trên, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

4. Tăng thêm cơ sở khám chữa bệnh y tế tuyến huyện

Theo Thông tư 40/2015/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương bao gồm:

- Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế huyện có phòng khám đa khoa.

- Phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực.

- Bệnh viện đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các Bộ, Ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các Bộ, Ngành.

- Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương.

- Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương.

- Phòng Y tế, Bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Trung tâm y tế quân - dân y, Bệnh xá quân y, Bệnh xá quân - dân y, Bệnh viện quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thông tư 40/2015/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2016

5. Lệ phí thẻ căn cước công dân

Từ ngày 01/01/2016, việc thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ Căn cước công dân được thực hiện theo Thông tư 170/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, mức thu lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

- Đổi: 50.000 đồng/thẻ.

- Cấp lại: 70.000 đồng/thẻ.

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức thu nêu trên.

 Ngoài ra, Thông tư còn quy định rõ các đối tượng không phải nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân:

- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ lần đầu.

- Đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

Thông tư 170/2015/TT-BTC thay thế Thông tư 155/2012/TT-BTC.

6. Ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị phương tiện PCCC

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (có hiệu lực từ ngày 06/01/2016).

Theo đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy bao gồm:

- Ô tô từ 04 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ và TCVN 6211:2003, TCVN 7271:2003.

- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP không phụ thuộc số chỗ ngồi.