Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách tạo động lực mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hàng dệt may Việt Nam giữ được chỗ đứng trên "sân nhà" trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp (DN) rất cần có thêm hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Đó là ý kiến được nêu ra trong buổi làm việc của Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động)” với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngày 21/8 tại Hà Nội.

 “Sân nhà” đã có nhiều thương hiệu nội

 Một thành công đáng kể của ngành dệt may trong nước qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động chính là việc mở rộng được kênh phân phối sản phẩm khắp cả nước. Đến nay, Vinatex đã phát triển chuỗi siêu thị thời trang dệt may Vinatexmart trên 28 tỉnh, TP với hơn 50 đại lý bán hàng, kinh doanh trên 6 vạn mặt hàng, đạt 100% là hàng Việt. Sau 5 năm, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt con số 4.125 và dự kiến cuối năm nay sẽ đạt 4.286 cửa hàng, đại lý.
Sản phẩm của May 10 được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.  Ảnh: Linh Anh
Sản phẩm của May 10 được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Linh Anh
 Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh: 5 năm thực hiện Cuộc vận động cũng đánh dấu thành công trong chiến lược phát triển thương hiệu của dệt may trong nước. Điển hình là Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới "thời trang an toàn cho sức khỏe", sản xuất theo tiêu chuẩn của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu AEON Nhật Bản, phân phối trong nước. Các đơn vị cũng mở rộng đầu tư, quảng bá nhiều thương hiệu mới như Grusz (May 10), Mattana (May Nhà Bè)… Tổng Công ty May Việt Tiến xây dựng và phát triển thương hiệu đẳng cấp quốc tế San Sciaro và Manhattan nhắm tới phân khúc khách hàng là doanh nhân. Mới đây, Vinatex cho ra mắt 3 nhãn hàng Dora, Runi và Suri để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hàng dệt may chất lượng cao.

 Cũng nhờ thực hiện Cuộc vận động, Vinatex không ngừng tăng doanh thu nội địa, từ 15.740 tỷ đồng năm 2010 lên 20.800 tỷ đồng năm 2013 và ước năm nay đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 6,3%. Kết quả này có được nhờ đóng góp không nhỏ của việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương. Một kết quả đáng mừng nữa là "đa số người lao động ngành dệt may trong nước nhận thức được việc thực hiện Cuộc vận động là chủ trương đúng đắn. Trong khi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng đón nhận những sản phẩm mới "made in Vietnam" thiết kế đẹp, chất lượng cao, thay vì hàng ngoại với mức giá tương đương"  - ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐTV Vinatex chia sẻ.

 Cần nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

 Mong muốn đưa ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, song đa số DN dệt may phản ánh, sự thiếu hụt nguồn cung nguyên, vật liệu chất lượng tốt sản xuất trong nước đang làm giảm tính linh hoạt của các thương hiệu dệt may nội địa, đẩy giá sản phẩm lên cao. Trong khi đó, hàng nhập lậu, hàng nhái kém chất lượng… tràn lan, nhất là hàng Trung Quốc được gắn mác Việt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà cung cấp.

 Trước những khó khăn này, lãnh đạo Vinatex kiến nghị, Nhà nước cần sớm quy hoạch các cụm công nghiệp, nguồn lao động, nguồn nguyên liệu phát triển; quan tâm đầu tư những khu công nghiệp chuyên ngành dệt may có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, có chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Đặc biệt, ông Lê Tiến Trường cho biết, một nghịch lý hiện nay là DN may dù muốn dùng vải nội địa để sản xuất nhưng vì phải chịu ngay thuế VAT cao. "Vướng mắc này chưa thể được giải quyết nếu chưa có chính sách khuyến khích DN trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa".

 Trong số hơn 70 DN may thuộc Vinatex, hiện chỉ khoảng 10 thương hiệu thực sự mạnh tại thị trường nội địa, vì vậy, các DN dệt may rất cần được hỗ trợ về quảng bá truyền thông, để người tiêu dùng nhận thức đúng đắn để chọn dùng những sản phẩm do DN trong nước sản xuất.