Tỷ giá cũng như lãi suất ở mức ổn định trong bối cảnh có nhiều yếu tố ngoại sinh được đánh giá là thành công của nhà điều hành.
Ổn định lãi suất vẫn có trợ lực
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành để giữ ổn định mặt bằng lãi suất gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao, tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm. Trong khi đó, Trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 2 lần. Diễn biến thực tế cho thấy có thời điểm một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chủ yếu là kỳ hạn trên 12 tháng.
Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều tiết thanh khoản hệ thống hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, họp với các ngân hàng có thị phần lớn để nắm tình hình và yêu cầu các ngân hàng thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Kết quả, mặc dù chịu áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng vẫn được giữ ổn định. Và một tín hiệu đáng mừng là Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Qua đó, hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu. Đây được coi là một dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.
Uỷ ban giám sát Tài chính Quốc gia cũng dự báo, sáu tháng cuối năm 2017, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ thời điểm 1/1/2018.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế.
Cụ thể, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều. Đồng USD đã giảm 5,1% và động thái điều hành tỷ giá chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2017; lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội (4%); việc phát hành Trái phiếu Chính phủ 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất.
Cuối cùng, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực ngay từ ngày 15/8 tới.
Ngoài ra, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị nhà điều hành cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý.
Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng từ 2 - 4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7,1% vẫn đảm bảo có lợi cho VND.
Đồng thời, các Ngân hàng thương mại sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ.
“Trong thời gian tới, đồng bộ với giải pháp điều chỉnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ khẳng định.
Thị trường ngoại hối ổn định
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hiện tăng khoảng 1,2%.
Trong khi đó, đồng USD đã mất giá lên đến 5,1% và hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ của Việt Nam đều tăng giá so với USD.
Theo tính toán của cơ quan này, việc Fed tăng lãi suất hai lần trong 6 tháng đầu năm 2017 với những bước điều chỉnh nhỏ hiện chưa gây áp lực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã ở mức 2,7 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Về dài hạn, cơ quan này cũng nhận định, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo, có thể tỷ giá sẽ chịu áp lực. Cùng với xu hướng biến động khó lường của đồng nhân dân tệ và yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô kinh tế quý 2, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) nhận định, trái ngược với xu hướng biến động mạnh trong quý 1, tỷ giá diễn biến tương đối ổn định trong quý 2. Theo đó, cả tỷ giá tham chiếu và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều không chịu ảnh hưởng nhiều từ các sự kiện bên ngoài.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cơ chế tỷ giá trung tâm cho phép tỷ giá tham chiếu được điều chỉnh linh hoạt theo ngày, hạn chế các cú sốc và đảm bảo sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Báo cáo về tình hình tỷ giá trước Chính phủ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết mặc dù 6 tháng đầu năm thị trường chịu tác động nhiều yếu tố bất lợi, nhưng tỷ giá vẫn ổn định và phù hợp với mục tiêu điều hành từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để chủ động có biện pháp điều hành tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế, tránh đầu cơ.
Thận trọng với tín dụng tăng trưởng cao
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tháng 6 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016.
Nhóm nghiên cứu thuộc VEPR nhận định, với con số trên, tín dụng tăng cao nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Đặc biệt, tín dụng tăng nhanh chủ yếu trong những tháng của Quý II cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, tín hiệu này cũng cho thấy sự cải thiện trong khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng huy động giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016 chỉ đạt 5,89%. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động thấp tạo ra tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, nhận định trái ngược với năm 2016, tín dụng trong nửa đầu năm 2017 tăng trưởng nhanh trong khi tăng trưởng huy động giảm khiến chênh lệch huy động - tín dụng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng. Qua đó, thanh khoản trên thị trường vẫn dồi dào giúp giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành khuyến cáo việc mở rộng cung tiền quá nhanh trong giai đoạn vừa qua đã khiến tỷ lệ M2/GDP đã tăng lên 146% năm 2016, trong khi con số này là 80% vào năm 2006 và 114% của năm 2010. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trong thời gian tới khi chính sách nới lỏng tiền tệ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận về cơ bản thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, đảm bảo hệ số cho vay so với vốn huy động. Tuy nhiên, nếu tín dụng tăng trưởng quá cao mà huy động vốn không đảm bảo được thì cuối năm thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn hơn, đồng thời không hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Chúng ta không nên điều chỉnh tăng quá mức 18%.