Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách tiền tệ phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Chính sách tiền tệ sẽ phải đảm bảo thực hiện những mục tiêu kép là hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục mà vẫn chủ động ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát.”

KTĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Chính sách tiền tệ sẽ phải đảm bảo thực hiện những mục tiêu kép là hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục mà vẫn chủ động ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát.”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ nay đến cuối năm, khả năng thắt chặt tiền tệ là không có.

Ông nói tỷ giá sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, thận trọng, đảm bảo cân đối lợi ích tổng thể, cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế.

Thống đốc khẳng định: “Chính sách tiền tệ sẽ phải đảm bảo thực hiện những mục tiêu kép là hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục mà vẫn chủ động ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát.”

Theo dự báo, lạm phát năm nay khoảng 7%. Do vậy, Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá không thả nổi, cũng không theo cơ chế cố định mà điều hành linh hoạt, theo tín hiệu thị trường, có quản lý của Nhà nước.

Thực tế, từ tháng 7 đến nay thanh khoản ngoại tệ không còn khó khăn. Các ngân hàng cũng làm tốt việc quản lý ngoại hối, hỗ trợ hạn chế nhập siêu, tác động sản xuất trong nước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, với nhiều biện pháp chính sách tích cực của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 7/2009, thanh khoản ngoại tệ được cải thiện đáng kể, dư nợ cho vay ngoại tệ từ mức âm 2,5% đầu năm, đến nay đã tăng lên dương 6%.

Hiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn đảm bảo cho 12 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan vẫn đang tăng cường đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế để bổ sung nguồn ngoại tệ.

Về việc tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng liên tục và vượt ngưỡng 17.000 VND/USD, Thống đốc cho biết, ngày 26/12/2008, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành biên độ tỷ giá thêm 3% (từ mức 16.494 đồng đổi 1 USD lên 16.989 đồng); ngày 24/3/2009, điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa VND với USD tăng từ mức +/-3% lên mức +/-5%.

Như vậy, so với cuối năm ngoái, tỷ giá hiện nay tăng khoảng 5,16%, trong khi lạm phát 9 tháng qua của năm 2009 là 4,11%. Do vậy, chính sách tỷ giá đã kích thích xuất khẩu.

Thời gian qua, Việt Nam có chính sách đặc thù là hỗ trợ lãi suất, lãi suất USD và VND gần nhau nên họ chọn VND để giảm bớt nỗi lo tỷ giá. Tuy nhiên, sau đó các ngân hàng thương mại Nhà nước đã đi đầu trong việc hạ lãi suất cho vay ngoại tệ, vì vậy dư nợ vay từ mức âm 2,5% đến nay đã dương 6%.

Khả năng tăng trưởng tín dụng nóng trong những tháng cuối năm cũng khó xảy ra. Trong thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, nhiều doanh nghiệp vẫn còn găm giữ vốn, khi hết hỗ trợ thì vốn sẽ luân chuyển trở lại. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán, không đưa tiền ra và giữ chính sách ổn định.

Về việc có tiếp tục gói kích cầu thứ hai, Thống đốc cho biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ quyết định việc thực hiện. Song, tại Hội nghị IMF/WB vừa được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai tổ chức này đều kêu gọi các nước phải bình tĩnh xem lại diễn biến kinh tế thế giới và quốc gia để giải quyết hài hòa.

"Việc triển khai gói hỗ trợ mới cần phải tính toán thận trọng, dựa trên những luận cứ khoa học. Vì hiện giai đoạn “giải cứu” đã kết thúc; giai đoạn tiếp theo là phục vụ tăng trưởng bền vững và an sinh xã hội," thống đốc nói./.