Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách tỷ giá sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong quý 1/2017 nguyên nhân chính biến động của tỷ giá chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có xu hướng giảm trong tháng 1/2017, nhưng sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng 2 cho tới nay và luôn tiệm cận sát với mức trần Ngân hàng Nhà nước công bố (tính đến 20/03/2017, tỷ giá NHTM quanh mức 22.820 đồng/USD, tăng khoảng 0,13% so với đầu năm).
Tỷ giá thị trường tự do trong nửa đầu tháng 2 cũng có mức tăng đột biến, có những thời điểm đã lên trên mức 23.000 VND/USD nhưng ngay sau đó đã hạ nhiệt và hiện bám khá sát với tỷ giá của các NHTM. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tính đến 20/3/2017 đã điều chỉnh 0,47%.
 
Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, với các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, quý 1 vừa qua tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các giao dịch ngoại tệ diễn ra bình thường, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Cụ thể hơn, NHNN khẳng định: Trong điều hành, NHNN đã tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư, tổ chức). NHNN đã điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm và điều tiết VND hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, nhờ đó tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016
Dẫu vậy, có thể nói, 9 tháng còn lại của năm nay, vẫn chưa thể khẳng định biến số tỷ giá sẽ bình yên. Do cán cân thương mại thâm hụt khiến cho nhu cầu về USD tăng lên và gây áp lực lên tỷ giá. Và thực tế, diễn biến tỷ giá từ đầu năm 2017 đến nay đã cho thấy, trong khi một số đồng tiền trong khu vực tăng giá thì VND lại tiếp tục xu hướng giảm giá so với đồng USD.
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2017, việc Fed tăng lãi suất chưa gây áp lực đối với tỷ giá do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng dự báo cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016. Bởi vì cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Trong quý 1/2017 nguyên nhân chính biến động của tỷ giá chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh. Tính chung 3 tháng năm 2017, nhập siêu ước khoảng 1,9 tỷ USD, bằng khoảng 4,4 kim ngạch xuất khẩu;
Hơn nữa, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, "cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017". Nhận định này có cơ sở bởi vì dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà chủ yếu là vốn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản vay trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.
Tất nhiên, quyết định chính thức thì cần chờ đến tháng 7/2017 khi Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ họp quyết định Việt Nam (cùng một số quốc gia khác) có còn được vay ưu đãi nữa hay không. Nhưng nhiều dự báo cho rằng, có khả năng Việt Nam sẽ không còn được vay ODA ưu đãi nữa.
Một điểm quan trong khác, về dài hạn, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến cáo cần lưu ý biến động của đồng Nhân dân tệ. Việc mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc./