Khu nhà ở được xây dựng tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên với mục tiêu di chuyển 1.530 hộ dân. Sau nhiều năm chuẩn bị cho việc thực hiện một đề án chưa có tiền lệ, phức tạp, việc hình thành Ban Quản lý dự án đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện chủ trương giãn dân phố cổ.
Quá trình giãn dân phố cổ sẽ được thực hiện đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.Trong ảnh: Một góc phố Hàng Đào.Ảnh: Thanh Hải
4.902 tỷ đồng cho dự án đầu đi
Theo Đề án giãn dân phố cổ, mật độ dân cư khu vực phổ cổ sẽ giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn khoảng 500 người/ha, đây là mật độ khống chế theo quy hoạch năm 2020 đã được xác định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tương ứng, số hộ dân sẽ phải di chuyển là 6.550 hộ với khoảng 26.200 người. Mục tiêu của đề án nhằm tạo điều kiện để tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Việc thực hiện đề án được thực hiện theo 3 dự án: Dự án đầu đi, dự án đầu đến và dự án giai đoạn 2. Đối với dự án đầu đi, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội - chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức xác định và lập phương án di dời các hộ dân. Trong giai đoạn 1, các hộ dân di dời là những hộ đang sinh sống trong các di tích, công sở, trường học, các nhà cổ có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn, các chung cư xuống cấp nguy hiểm, các hộ dân sống trong phạm vi cần GPMB theo các dự án của TP và các hộ dân tự nguyện di chuyển. Sau khi nhận căn hộ tại khu nhà ở giãn dân, các hộ dân có trách nhiệm di chuyển chỗ ở và cắt hộ khẩu tại nơi ở cũ, đồng thời chuyển ngay hộ khẩu về nơi ở mới theo đúng quy định.
Dự án đầu đi dự kiến được triển khai từ quý II/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016. Dự án đầu đi phải đảm bảo các điều kiện sống tốt hơn cho người dân khi di chuyển, ổn định cuộc sống của người dân tại khu giãn dân.
Khu nhà ở giãn dân phố cổ được xây dựng tại khu đất 11,12ha trong Khu đô thị mới Việt Hưng với quy mô 16 toà nhà cao 9 tầng, 1 tòa nhà hỗn hợp cao 15 tầng; cung cấp 1.800 căn hộ, số dân dự kiến 7.200 người. Với nhóm dự án nhà ở, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Nhà thầu được chỉ định sẽ ứng vốn xây dựng công trình, sau đó sẽ được hoàn trả vốn sau khi chủ đầu tư thực hiện bán nhà cho các đối tượng giãn dân. Nhóm dự án khu nhà hỗn hợp 15 tầng và nhà để xe, sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trong khu giãn dân phố cổ. Tổng mức đầu tư dự án là 4.902 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 200 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 4.702 tỷ đồng.
Tiếp tục tìm kiếm quỹ đất giãn dân
Song song với việc triển khai thực hiện giai đoạn 1, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở, ngành và các quận, huyện xung quanh quận Hoàn Kiếm để tìm thêm quỹ đất khoảng 30ha đề xuất UBND TP chấp thuận cho giai đoạn 2. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng tính đến việc đề xuất với TP cho phép sử dụng quỹ đất 2% tại các khu đô thị mới để xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ. Giai đoạn 2 của đề án có mục tiêu tổ chức di chuyển 5.020 hộ dân di dời ra khỏi khu phố cổ đến các khu nhà ở giãn dân để đảm bảo giảm mật độ dân số khu phố cổ theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Thời gian thực hiện giai đoạn 2 từ năm 2016 - 2020.
Giãn dân phố cổ để tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong ảnh: Một góc phố Hàng Đào.Ảnh: Hải Linh
Quận Hoàn Kiếm xác định, việc thực hiện đề án là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Việc thực hiện đề án phải tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, dân chủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm đánh giá, đây là dự án mang tính xã hội cao, có tính chất đặc thù, chưa có tiền lệ. Dự án kéo dài nhiều năm vì phải vừa làm vừa nghiên cứu, đề xuất cơ chế. Với số vốn đầu tư 4.902 tỷ đồng, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, dự án cần có cơ chế đặc thù để hút nhà đầu tư tham gia và ứng vốn đầu tư. Nhìn chung cơ chế thực hiện với dự án nhà ở tương đồng với nhà ở xã hội nhưng chất lượng nhà ở cao hơn.
Quyền lợi và trách nhiệm của người dân tham gia dự án giãn dân phố cổ
Đối với các đối tượng bắt buộc di chuyển theo chính sách GPMB sẽ được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước về đền bù GPMB đang áp dụng trên địa bàn TP. Giá bán nhà tái định cư tại khu nhà ở giãn dân phố cổ là giá thành xây dựng được UBND TP phê duyệt. Đối với các đối tượng tự nguyện giãn dân, mỗi hộ giãn dân được mua một căn hộ, số nhân khẩu phù hợp với diện tích căn hộ, với giá đảm bảo kinh doanh (là giá thành xây dựng bao gồm các chi phí cộng lãi vay ngân hàng và lợi nhuận định mức 10%) và được miễn tiền sử dụng đất (không bao gồm giá đất và chi phí hạ tầng kỹ thuật).
|