Cụ thể, mức thu 35.000 đồng/lượt áp dụng với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng; 50.000 đồng/lượt đối với xe từ 12 đến 30 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến 4 tấn; 60.000 đồng đối với xe từ 31 chỗ ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 đến 10 tấn; 120.000 đồng/lượt đối với xe tải có tải trọng từ 10 đến 18 tấn, xe container 20 fit; 180.000 đồng/lượt đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40 fit.
Mức phí sẽ được điều chỉnh theo phương án tài chính sau 3 năm/lần, hệ số tăng 1,18% bắt đầu áp dụng từ năm 2021.
Đại diện Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho biết, để đảm bảo không xảy ra ùn tắc khi bắt đầu thu phí, đơn vị đã đào tạo bài bản cho nhân viên, trang bị đủ phương tiện máy móc sẵn sàng cho việc vận hành thu phí, đồng thời bố trí đội xe cứu hộ 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.
Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), khởi công tháng 9/2014, tổng chiều dài 5,3km, tổng vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1/9/2018.
Đây là cây cầu quan trọng kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng, thuộc tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và nối trực tiếp vào tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội.
Từ cuối tháng 9/2018, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đã tổ chức thu phí thử (phát vé không thu tiền), hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 11.000 lượt xe lưu thông qua cầu.