Chịu áp lực từ Quốc hội, ông Trump có làm ấm quan hệ Nga - Mỹ?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang “mắc kẹt” giữa mong muốn cải thiện quan hệ Nga - Mỹ của mình và áp lực từ các thành viên của đảng Cộng hòa.

Lùi bước trước Quốc hội
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang đối mặt với áp lực từ các thành viên của đảng Cộng hòa về việc phải có phản ứng mạnh mẽ hơn với các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016.
Điều này thể hiện ở phát biểu "chiến thuật" hôm Chủ nhật bởi Chánh văn phòng tương lai Reince Priebus rằng, ông Trump chấp nhận báo cáo của giới tình báo về việc Nga đứng sau cuộc tấn công mạng vào hệ thống email của đảng Dân chủ.
Trước đó, ông Trump luôn bác bỏ hoàn toàn kết luận của giới tình báo rằng, Moscow đứng sau chiến dịch tấn công mạng vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay tác động để ông Trump thắng cử.
 Ông Trump đang "mắc kẹt" giữa mong muốn cải thiện quan hệ Nga - Mỹ và áp lực từ Quốc hội.
Thực tế, các thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã lo ngại trước các phát ngôn thể hiện mong muốn “làm ấm” quan hệ với Nga của ông Trump, và xa hơn là một sự nới lỏng nhanh chóng các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt với Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Do vậy, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã nhanh chóng gia tăng áp lực đối với Tổng thống đắc cử, nhất là khi Quốc hội sắp có phiên điều trần phê duyệt một loạt các vị trí trong nội các của ông Trump.
Cụ thể, Tướng Hải quân về hưu James Mattis - ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng sẽ đối mặt với phiên điều trần trước Quốc hội hôm thứ Năm tới (12/1). Ông James Mattis được dự đoán là sẽ có quan điểm cứng rắn với Nga hơn so với ông Trump. Trong khi đó, ông Rex Tillerson - ứng viên cho chức vụ Ngoại trưởng sẽ có phiên điều trần hôm thứ Tư (11/1) trước Ủy ban Đối ngoại. Trong nội các chỉ định của ông Trump có ứng viên cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và ứng viên cho chức Ngoại trưởng Rex Tillerson đều có quan hệ khá hòa hảo với chính phủ của Tổng thống Putin.
Quan hệ Mỹ - Nga vẫn là ẩn số
Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump luôn tuyên bố, Mỹ cần "tập trung vào những điều lớn hơn và tốt hơn" sau khi xuất hiện các cáo buộc đối với Moscow, các động thái trên cho thấy, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện sẽ không “buông” vấn đề này.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết, ông và Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện John McCain sẽ đề xuất các lệnh trừng phạt mạnh hơn từ trước đến nay.
Ông McCain cũng cho biết, ông muốn thành lập một ủy ban để điều tra về các vụ tấn công mạng của Nga. Trong khi đó, ông cho biết, các Ủy ban quan trọng của Thượng viện, bao gồm cả quốc phòng và tình báo, sẽ tiến hành điều tra.
Các chuyên gia nhận định, các giám sát chặt chẽ của các hành động của Nga sẽ được đưa ra khi nội các của ông Trump bắt đầu phác thảo một chiến lược toàn diện đối với cựu thù thời Chiến tranh Lạnh. Và quan điểm chính thức của chính quyền dưới thời ông Trump sẽ phải mất vài tuần hoặc lâu hơn để xác định rõ ràng.
"Chính sách này chỉ có thể có câu trả lời rõ ràng khi nội các cụ thể được hình thành”, ông Heather Conley - cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại châu cho biết.