Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chợ cóc, chợ tạm lấn át chợ chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của TP Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ. Năm 2014, thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", nhiệm vụ này được TP xác định triển khai với tinh thần tập trung, đồng bộ, đảm bảo đô thị của TP luôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng không dễ giải quyết một sớm một chiều đó là việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm nhằm lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.

Ra đường gặp… chợ cóc

Lòng đường, vỉa hè bị biến thành nơi bày bán hàng hóa gây cản trở giao thông, rác thải đọng lại sau mỗi buổi chợ không được thu dọn sạch sẽ lâu ngày tích tụ, bốc mùi xú uế. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra trên phố Vĩnh Hồ, khu vực giáp rạnh giữa phường Ngã Tư Sở và Thịnh Quang (quận Đống Đa). Mặc dù chính quyền liên phường khẳng định vẫn thường xuyên tổ chức ra quân, bố trí lực lượng chốt để nhắc nhở, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Thế nhưng đến thời điểm này, tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khu tập thể Vĩnh Hồ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra phổ biến.
Ngõ Văn Chương và khu vực đảo tròn bị biến thành nơi bày bán hàng hóa.            Ảnh: bảo nhi
Ngõ Văn Chương và khu vực đảo tròn bị biến thành nơi bày bán hàng hóa. Ảnh: bảo nhi
Ngõ 143, phố Quan Hoa có chiều dài hơn 300m, thuộc tổ dân phố số 2 và 36, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Đây là khu vực có mật độ dân cư cao và tập trung nhiều cơ quan Nhà nước. Do nhu cầu sinh hoạt của người dân nên từ lâu, nhiều hộ buôn bán đã tổ chức họp chợ trái phép tại ngõ này với hàng trăm quán hàng, xe thồ bán rong. Thời gian gần đây, tình trạng chợ họp từ sáng xuyên trưa, kéo sang đầu giờ chiều. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại nhiều tuyến phố như chợ Khâm Thiên, ngõ Văn Chương (quận Đống Đa), Thanh Báo, Ngọc Hà (quận Ba Đình), phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm), đường 70 (quận Nam Từ Liêm)…

Không chỉ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chợ cóc còn ăn sâu vào tận những khu tập thể, khu đô thị. Điển hình tại khu vực ô đất C2 và giáp với nhà N6A, B (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính), phần lớn diện tích vỉa hè đã bị biến thành nơi họp chợ từ sáng đến tối, với đủ loại mặt hàng. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại một số khu tập thể như Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Văn Chương (Đống Đa)… Mặc dù là chợ cóc, nhưng ở những khu vực trên, chợ họp từ sáng đến tối với đầy đủ mặt hàng như, quần áo, đồ khô, rau củ quả đến các loại thực phẩm tươi sống.

"Đánh bật"… chợ chính

Chợ cóc, chợ tạm "mọc" tràn lan, không những lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, mà còn làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các tiểu thương chợ chính. Cụ thể, trên phố Ngọc Hà, nhiều người bán hàng rong ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán trong chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình). Mặc dù chính quyền địa phương khẳng định, vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng có mặt tại đây trong giờ cao điểm, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều người bán hàng rong ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ. Điều đáng nói, nếu như trước đây vi phạm chỉ tập trung từ cổng chợ Ngọc Hà đến ngã tư Ngọc Hà - Sơn Tây nhưng hiện tại chợ cóc đã lan mạnh sang phố Thanh Báo.

Tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, mặc dù có chợ chính của phường xây dựng quy mô, do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xây dựng Hoa Mai quản lý, tuy nhiên, chợ chỉ hoạt động trong buổi sáng. Buổi chiều, khu chợ này "cửa đóng, then cài" nên rất lãng phí, trong khi các chợ cóc trên địa bàn phường buôn bán tấp nập từ sáng đến chiều. Mặc dù có lực lượng tự quản thường xuyên nhắc nhở, nhưng vẫn tái diễn tình trạng tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra trên phố Trần Quang Diệu (giáp chợ Thái Hà), phố Ngô Sỹ Liên (chợ Ngô Sỹ Liên) và nhiều tuyến phố khác.

Trên thực tế, đã nhiều lần các lực lượng chức năng, chính quyền các quận, huyện, phường, xã ra quân giải tỏa chợ cóc, nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. TP, các doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí lớn để cải tạo, xây dựng các khu chợ cũ tại khu vực trung tâm thành các trung tâm thương mại hiện đại, trong đó bố trí một phần diện tích thỏa đáng làm chợ dân sinh, vừa tạo việc làm cho các hộ kinh doanh khu chợ cũ, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, nhằm xóa bỏ các khu chợ cóc, chợ tạm. Nhưng chủ trương này dường như thất bại. Từ khi phá khu chợ cũ để xây dựng công trình mới, chợ cóc mọc ngay cạnh khu vực đó và ngày càng phát triển, đến nỗi "đánh bật" cả chợ mới ở trung tâm thương mại.

(còn nữa)