KTĐT - Biểu hiện của say nắng thường là vã mồ hôi, mặt đỏ, có trường hợp bị đau bụng, nôn mửa. Nặng hơn, bệnh nhân sẽ hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, thân nhiệt tăng cao (có khi lên đến trên 40 độ C).
Một buổi trưa nắng nóng, có việc phải đi ra đường, một đồng nghiệp nữ của tôi đã bị choáng và ngất. Tưởng chỉ là say nắng bình thường, chúng tôi đã để cô ấy nghỉ ngơi trong phòng điều hoà. Nhưng đến chiều về thì cô ấy phải nhập viện, đến nay (đã 10 ngày) vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Cho tôi hỏi, say nắng có thực sự nguy hiểm đến tính mạng và cách phòng tránh, nhất là vào mùa này?Mai Chi (Hà Nội)
BS. Nguyễn Huy Cường: Say nắng là hiện tượng trúng nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao, nhất là vào thời điểm giữa trưa. Ở Pháp, đã có năm cả chục ngàn người cao tuổi bị tử vong vì nắng nóng.
Biểu hiện của say nắng thường là vã mồ hôi, mặt đỏ, có trường hợp bị đau bụng, nôn mửa. Nặng hơn, bệnh nhân sẽ hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, thân nhiệt tăng cao (có khi lên đến trên 40 độ C).
Đối với các trường hợp say nắng nếu không được xử trí kịp thời dễ dẫn đến hôn mê, co giật, có khi tử vong. Say nắng thường đe doạ tính mạng của người già và trẻ nhỏ vì hai nhóm đối tượng này sức đề kháng kém hơn.
Cách xử trí khi bị say nắng là ngay lập tức đưa bệnh nhân vào chỗ có bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước lạnh có chút muối, sử dụng khăn thấm nước sạch lạnh lau người. Có thể làm giảm nhiệt bằng cách đắp khăn lạnh, chườm lạnh bằng đá hoặc dùng quạt máy.
Những trường hợp say nắng nặng hơn bắt buộc phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Say nắng tuy nguy hiểm nhưng có thể đề phòng được. Vào mùa hè, mọi người cần theo dõi thường xuyên tin tức về thời tiết được loan báo trên báo chí và các đài truyền hình mỗi ngày. Những người phải làm việc nhiều trong môi trường có nhiệt độ cao cần phải được trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy. Nên ở nơi thoáng khí, uống thật nhiều nước, tốt nhất hãy thêm vào nước một chút muối. Tránh ra ngoài nắng nếu không cần thiết.
Ở những người cao niên, cơ chế báo động về khát nước thường không còn nhạy bén nên dễ bị mất nước rồi trúng nóng. Vì thế cần được uống nước thật đầy đủ dù không cảm thấy khát nước. Muốn biết có đủ nước trong người hay không thì cần kiểm soát đi tiểu có đều đặn hay không.