“Chợ đêm trên mây” - giải pháp tiêu thụ nông sản độc đáo của Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 5 phiên, “Chợ đêm trên mây” do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.

Lợi ích cho nhiều bên
Đến hẹn lại lên, tối thứ 6 những tuần gần đây, anh Lương Văn Phương - Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh), lại tham gia bán hàng trực tuyến tại “Chợ đêm trên mây” do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức. Thông qua các phiên chợ, anh đã nhận được đơn hàng bưởi đỏ của hàng trăm khách hàng.
Tương tự, Công ty TNHH MD Queens tại huyện Đan Phượng cũng nhận được nhiều đơn hàng mua sản phẩm trà xạ đen “4 sao”. “Chỉ qua 2 giờ đồng hồ mỗi tối thứ 6 trong những tuần qua, đơn vị đã tiêu thụ được hàng trăm hộp trà xạ đen cho khách hàng ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước…” - Giám đốc Công ty TNHH MD Queens Trần Anh Thư cho biết.
Chủ thể giới thiệu và rao bán sản phẩm OCOP trực tuyến tại ''Chợ đêm trên mây''. Ảnh: Lê Hoa.
Không chỉ “phủ sóng” tại Hà Nội, “Chợ đêm trên mây” còn lan toả đến chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương khác. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (huyện Đồng Văn, Hà Giang) Lưu Thị Hoà cho biết, đơn vị đã có cơ hội tham gia 2 phiên “Chợ đêm trên mây”.
Qua 2 phiên chợ, Hợp tác xã Po Mỷ đã tiếp nhận khoảng 40 đơn hàng với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn. “Không chỉ việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm được đẩy mạnh, “Chợ đêm trên mây” còn giúp hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn…”- chị Lưu Thị Hòa chia sẻ.
Bên cạnh các chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ những phiên “Chợ đêm trên mây”. Ngoài yếu tố chất lượng được đảm bảo dưới sự giám sát của các sở ngành của TP Hà Nội, người dân có thể được tiếp cận sản phẩm với giá ưu đãi, được hỗ trợ chi phí vận chuyển đến tận tay dù ở bất cứ tỉnh, TP nào.
Chú trọng quản lý chất lượng
Từ thành công của lần đầu thí điểm hồi cuối tháng 8/2021, đến nay, mô hình “Chợ đêm trên mây” tổ chức vào tối thứ 6 hàng tuần đã trải qua 5 phiên. Trung bình mỗi phiên, có khoảng 1.000 đơn hàng được kết nối. Phiên chợ đã và đang đưa chủ thể sản xuất, kinh doanh đến gần hơn nhà phân phối và người tiêu dùng.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, rào cản lớn nhất của phương thức bán hàng trực tuyến là độ tin cậy của sản phẩm. Chính vì vậy, sự xuất hiện của bên thứ ba là cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận chất lượng. Bảo đảm người bán hàng cung cấp sản phẩm an toàn, người mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán.
Hiệu quả của mô hình cũng đến từ tiêu chuẩn khắt khe của ban tổ chức đối với sản phẩm OCOP và đặc sản. Theo đó, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội yêu cầu chủ thể sản xuất, kinh doanh khi tham gia “Chợ đêm trên mây” phải có đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn mác chứng minh chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, phải có cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm giới thiệu và bán tại “Chợ đêm trên mây”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ hiệu quả bước đầu tích cực của mô hình “Chợ đêm trên mây”, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan duy trì thường xuyên hàng tuần. Ông Sơn cũng kỳ vọng những phiên chợ 4.0 này sẽ góp phần thay đổi phương thức tiêu thụ và tiếp cận sản phẩm OCOP, cũng như đặc sản vùng miền của người dân, bảo đảm ổn định chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.