Theo Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Do vậy, DNNVV ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhìn chung số lượng DN có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn gia công cuối cùng. Về nguyên tắc, công ty đa quốc gia nào cũng muốn nguồn cung ứng nguyên phụ liệu của mình được cung cấp tại chỗ để không tốn ngoại tệ, tiết kiệm thời gian và lên kế hoạch sản xuất sát thực tế nhưng với điều kiện chất lượng tốt, giá thành hợp lý.
Thực tế, không phải DN Việt không làm được ốc vít hay phụ tùng… nhưng làm sao sản xuất được cả triệu con ốc vít với chất lượng như nhau, giá thành thấp? Không nhiều DN đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về các công đoạn gia công cơ khí, điện tử chính xác. Vấn đề quan trọng nhất là DN phải thay đổi tư duy kinh doanh và lựa chọn công nghệ phù hợp. DN cần phải xây dựng văn hóa chuyên nghiệp và thói quen đặt chất lượng của hàng nội bằng, thậm chí cao hơn hàng ngoại để khi hàng hóa trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không còn là trở ngại. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần tận dụng các ứng dụng công nghệ số để phát triển. Nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường.
Trong những lĩnh vực nhất định, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước để có thể đẩy mạnh phát triển ngành, phát triển công nghệ phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ là sản xuất với số lượng rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm nên phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo lập thị trường.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ cần hướng vào cụ thể các nội dung như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tập trung giải quyết những vấn đề yếu kém. Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước có thể tạo ra môi trường và điều kiện phù hợp đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức để để DN không bị mất nguồn lực lao động sau khi đã được đào tạo. Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội đóng vai trò là cầu nối, cần thường xuyên tổ chức đối thoại với các DN FDI có nhu cầu sử dụng sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ, xác định các tiêu chuẩn của DN FDI để kết nối với DN trong nước có đủ năng lực tham gia.
Năm 2018 với một loạt hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực với những cam kết về cải thiện môi trường đầu tư sẽ trở thành lực hút đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có việc cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn này. Cơ hội không nhỏ, chỉ có điều, DN có tận dụng được hay không mà thôi.