Theo đó, các cổ phiếu trên thị trường châu Á giao dịch tăng giảm đan xen, trong khi đó giá dầu lao dốc mạnh khi chốt phiên 18/12. Cụ thể, chỉ số MSCI tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,2% trong phiên giao dịch sớm. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei N225 lại giảm 0,1%, trong khi chỉ số chứng khoán tương lai E-Mini của S&P 500 nhích 0,17%.
Trong khi đó, sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó, Phố Wall đã hồi phục khi mở cửa phiên giao dịch thứ Ba. Đà tăng lúc đầu khá tốt, nhưng sau đó đã quay đầu điều chỉnh do lo ngại về việc Chính phủ đóng cửa và thận trọng trước khi cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tuy nhiên, 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ may mắn ghi nhận sắc xanh khi chốt phiên, nhưng đà tăng rất khiêm tốn.
Trong phiên giao dịch, có lúc S&P tăng 1,1%, nhưng sau đó không giữ được thành quả tăng này. Sau đó, S&P có thời điểm giảm dưới mức điểm chốt phiên ngày thứ Hai - phiên mà chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong 14 tháng.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P dẫn đầu sự giảm điểm của toàn chỉ số, với mức giảm 2,4%. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt hơn 7%, xuống còn 46,3 USD/thùng, chạm đáy kể từ tháng 8/2017 do nỗi lo dư cung. Giá dầu Brent cũng giảm 35% kể từ tháng 10 do triển vọng nhu cầu suy yếu và chịu ảnh hưởng từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
"Thị trường đã hồi phục sau khi chứng kiến đà bán tháo trong phiên trước đó”, chiến lược gia Keith Lernr thuộc SunTrust Advisory Services nhận định và cho biết: "Nhà đầu tư đang thận trọng trước khi FED công bố kết quả cuộc họp và thận trọng với nguy cơ Chính phủ đóng cửa một phần".
Kéo dài trong 2 ngày, cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ cuối cùng trong năm 2018 của FED đã bắt đầu từ ngàyg 18/12.
Thị trường dự báo FED sẽ nâng lãi suất trong lần họp này, nhưng có thể sẽ phát tín hiệu giảm số lần nâng lãi suất trong năm 2019 so với dự báo ban đầu.
Đóng cửa, Dow Jones tăng 0,35%, đạt 23.675,64 điểm. S&P tăng 0,01%, đạt 2.546,16 điểm. Nasdaq tăng 0,45%, đạt 6.783,91 điểm.
Trên thị trường tiền tệ thế giới, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm nhẹ về 97,000 điểm sau khi chạm mức đỉnh 97,711 điểm.
So với yen Nhật, tỷ giá USD giảm nhẹ xuống còn 112,46 yen sau khi thiết lập mức 113,70 yen trong tuần trước.
Trong khi đó, tỷ giá đồng euro lại tăng mạnh so với USD, lên mức 1 euro đổi được 1,174 USD sau khi giảm mạnh chỉ còn 1,1266 USD ở tuần trước.