Xâm phạm di tích
Qua tìm hiểu, đình và chùa xã La Phù đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988. Biên bản quy định và sơ đồ khu vực bảo vệ di tích (có chữ ký và dấu của cấp có thẩm quyền) cho biết, khu vực chợ tạm nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích. Theo Luật Di sản văn hóa, khu vực này phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian, vậy mà chợ tạm nằm sát đình vẫn “vô tư” hoạt động ngày đêm, thậm chí ngày càng lộn xộn.
Cuối năm 2014, Nhân dân trong xã rất vui khi cây đa lông hơn 300 năm tuổi (trong khu vực chợ) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam, nhưng cùng với đó là nỗi lo làm sao để bảo vệ Cây di sản trước đủ các loại ô nhiễm từ khói bụi, nước thải đến căng, treo lều bạt tạm bợ khiến cây đa không “thở” nổi. Đây là những bức xúc nhiều năm qua của Hội Người cao tuổi, thậm chí, các cụ toàn Ban Khánh tiết trong 10 xóm đã họp, có văn bản ký kết gần 200 cụ cùng nhất trí ra nghị quyết đề nghị UBND xã La Phù di chuyển chợ tạm ra khu vực khác. Mòn mỏi mang nghị quyết kêu cứu các cơ quan chức năng, Bộ, Sở VHTT&DL đã thanh, kiểm tra và có ý kiến công nhận và bảo vệ quần thể khu di tích nhưng chợ tạm đến nay vẫn tiếp tục tồn tại.
Cụ Nguyễn Quang Đường (xóm Minh Khai, xã La Phù) ngậm ngùi: “Nhìn những di sản của cha ông chưa được coi trọng đúng mức mà xót xa. Cây đa, sân đình đã có từ 3 - 5 thế kỷ, nó đã chứng kiến nhiều sự kiện của quê hương, chúng tôi không gìn giữ, bảo vệ là có lỗi với tổ tiên, có lỗi với con cháu…”.
Bảo vệ di tích thế nào?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vụ việc này, ông Dư Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù, Trưởng Ban quản lý di tích xã La Phù cho biết: Trong hồ sơ xếp hạng di tích lưu tại Ban quản lý di tích thắng cảnh Hà Nội, phần diện tích bảo vệ lại rất bất cập so với hiện trạng, sơ đồ khu vực bảo vệ di tích không thể hiện tờ bản đồ số bao nhiêu, năm nào, tỷ lệ và khoanh vùng khu vực I, II theo quy định cũng không rõ ràng. Trên sơ đồ bỏ sót những phần đáng lẽ cần được bảo vệ như khu vực ao có diện tích 1.000m2 nằm trong quần thể đình, chùa nhưng lại khoanh vùng cả diện tích một số gia đình đã sinh sống qua nhiều thế hệ. UBND xã đã có văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng để được điều chỉnh bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích đình, chùa xã La Phù cho phù hợp hiện trạng sử dụng đất, khi đó sẽ có phương án cụ thể để gìn giữ và bảo vệ.
Ông Bảo thừa nhận, việc phản ánh của người dân về chợ tạm buôn bán sát khu di tích, cạnh cây đa lông đã được công nhận Cây di sản Việt Nam là có. Tuy nhiên, chợ tạm này có từ trước những năm 1980, đây là nơi kinh doanh buôn bán phục vụ dân sinh của toàn xã. Trước mắt, chính quyền thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý chợ về công tác an toàn cháy nổ, đảm bảo VSMT, hiện tại, các hộ kinh doanh trong chợ đã thực hiện rất tốt. Tới đây, nhằm bảo tồn cây đa di sản, Ban quản lý di tích sẽ xin phép các cấp có thẩm quyền được xây vỉa gạch bảo vệ xung quanh gốc và có phương án chăm sóc phù hợp với tăng trưởng của cây đa…
Về việc yêu cầu di dời chợ ra khỏi khu vực bảo vệ di tích của người dân, ông Tạ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã La Phù khẳng định: “Theo đề án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được phê duyệt, chợ sẽ chuyển vị trí mới, rộng và đáp ứng được nhu cầu của người dân, tuy nhiên cần có thời gian chuẩn bị và kinh phí để thực hiện. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của xã trong thời gian tới”.
Chủ trương của chính quyền địa phương là vậy, tuy nhiên, người dân vẫn còn hoài nghi về tính khả thi khi mức kinh phí để xây dựng chợ mới có dự toán lên tới vài chục tỷ đồng và thời điểm hiện tại chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy dự án xây chợ sắp được thực hiện. Thực tế, người dân xã La Phù vẫn phải tiếp tục hy vọng chính quyền sẽ giải được bài toán kinh phí, chợ sẽ được di dời sang địa điểm mới. Đình, chùa di sản văn hóa quốc gia, Cây di sản Việt Nam vẫn tiếp tục kêu cứu…
Chợ tạm La Phù lấn sát đình - chùa di tích quốc gia.
|
Hồ sơ xếp hạng di tích đình, chùa La Phù lập tháng 12/1986 có viết: Đình La Phù là ngôi đình của một làng cổ, chứa đựng bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Dựa vào niên đại của một số hiện vật còn lưu giữ và những kiến trúc điêu khắc cổ tại đình mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, có thể xác định, ngôi đình được xây dựng vào triều đại này (thế kỷ XVI – XVIII). |