Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cho thuê vỉa hè để kinh doanh: Giải pháp linh hoạt, thấu tình, đạt lý

Vũ Cúc - Vân Hằng (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cũng như nhiều TP trong cả nước đang tiến hành lập lại trật tự vỉa hè. Tuy đã phần nào tạo được sự ngăn nắp, nhưng không thể không tính đến việc giữ gìn trật tự vỉa hè về lâu dài

 Song song với đó là giải quyết đời sống dân sinh cho một bộ phận người dân lâu nay “bám” vỉa hè mưu sinh. Việc có nên áp dụng cho thuê vỉa hè để kinh doanh hay không vì thế được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia nhận định đây là một giải pháp linh hoạt “thấu tình đạt lý” nhằm giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các đô thị lớn.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Việc kinh doanh các tuyến phố vỉa hè theo quan hệ thị trường

Ở các nước phát triển, vỉa hè là công trình công cộng, được ưu tiên tối đa cho người đi bộ. Tất nhiên, việc sử dụng một phần công trình này để phục vụ kinh doanh cũng nằm trong chức năng của vỉa hè. Thực tế, việc buôn bán ở các vỉa hè hiện nay chỉ xảy ra ở một số tuyến phố khu phố thương mại, nơi có cung – cầu. Còn các khu phố phi thương mại điển hình như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... vẫn rộng rãi, ngăn nắp. Vậy, cần bố trí việc kinh doanh các tuyến phố vỉa hè theo quan hệ thị trường chứ không đơn thuần là gọn gàng. Cách sắp xếp vì thế phải phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của tuyến phố đó trên cơ sở điều tra dư luận xã hội.

Ở những TP chật chội như Hà Nội, vỉa hè cần được quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian. Hà Nội hiện có hai nền kinh tế: chính thức và phi chính thức. Nếu như nền kinh tế chính thức được công nhận cấp phép và thu thuế thì nền kinh tế phi chính thức ngược lại. Do đó, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng đối với loại hình kinh tế thứ hai. Cần bố trí cho họ tới những khu phố dành riêng cho hoạt động buôn bán. Riêng đối với các khu vực vỉa hè sau khi có sự điều tra, tính toán nhận thấy có thể cho phép buôn bán thì hoàn toàn có thể đề ra hướng cho người dân thuê. Hình thức này nhiều nước đã áp dụng và thu được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên quan trọng nhất là quy định thuê giờ nào, nơi nào, giá thuê tại từng tuyến phố ra làm sao. Chứ không phải địa điểm, thời gian nào cũng được đại trà thuê, cho thuê.

Tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Bỉ quy định thuê diện tích vỉa hè để bán hàng rong trên phố hay mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Ở Hà Nội, có những gánh hàng rong buổi sáng sớm phục vụ người dân ăn quà sáng có thể linh động cho thuê vì lúc này lưu lượng người đi bộ không nhiều. Hay tại các địa điểm trên khu phố cổ có thể phát triển văn hóa ẩm thực vào đêm khuya. Tạ Hiện là một ví dụ điển hình. Kinh tế của một đô thị không chỉ ở ban ngày mà còn là thời gian ban đêm. Lưu lượng ban đêm càng dài thì kinh tế đô thị càng phồn vinh. Những cái đó là những nguyên lý đô thị cũng nên am hiểu để đảm bảo cuộc sống mưu sinh của hàng ngàn người dân lao động đang “bám” vỉa hè.


KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Những tuyến phố rộng có thể cho thuê theo thời gian

Trước đây, để có nguồn vốn bảo trì vỉa hè mà không dùng ngân sách, ngày 20/12/1889, Đốc lý Hà Nội Landes (Pháp) đã ban hành một nghị định cho thuê vỉa hè Hà Nội để dân mở cửa hàng hay bán cà phê với giá 40 xu/m2/năm. Cùng với đó, cũng đánh thuế ban công, thuế ô văng. Với biển quảng cáo, nếu là biển phẳng áp vào tường không gây nguy hiểm cho người đi bộ sẽ miễn thuế, nhưng nếu làm nhô ra sẽ thu thuế theo diện tích, số tiền này cũng được đưa vào quỹ bảo trì. Hằng ngày, cảnh sát lục lộ đi tuần, họ đạp xe quanh các phố, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt, nếu không có tiền sẽ đưa về bót.

Các khu phố thí điểm đầu tiên như Tràng Tiền đã làm được. Sau này Tạ Hiện với việc phát triển văn hóa ẩm thực trên vỉa hè cũng đã đạt được hiệu quả. Do đó, những phố nhỏ trong khu vực phố cổ, khu vực giáp ranh phố cũ đều có thể áp dụng.

Ngay cả với một số tuyến phố có công trình vỉa hè rộng hoàn toàn có thể dành lại một phần vỉa hè để cho người dân thuê làm dịch vụ thương mại, ẩm thực. Tuy nhiên phải trên cơ sở phân loại kỹ lưỡng. Sau nữa phải xem mối liên kết về mặt giao thông giữa khu vực dự định cho thuê với giao thông xung quanh như thế nào? Có thuận tiện làm chỗ đỗ xe không. Đây là những tiêu chí cần thiết "thấu tình, đạt lý".

Đối với những tuyến phố rộng có thể linh hoạt cho thuê theo thời gian. Thậm chí có những tuyến phố ổn định lâu dài có thể cho thuê dài hạn hơn. Ví dụ khách sạn Metropole bày bán cafe vỉa hè nhưng ngăn nắp, mỹ quan cũng đã được chấp nhận. Hướng tới sự cân bằng giữa vấn đề kinh tế vỉa hè và mỹ quan đô thị vì thế là điều cần thiết.


Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia:

Quản lý khai thác cho hiệu quả theo đúng chức năng

Việc ra quân của các địa phương lần này là việc khởi động lại một cách toàn diện một nhóm các giải để lập lại trật tự vỉa hè. Thứ nhất, trả lại chức năng căn bản nhất của vỉa hè đó là phục vụ người đi bộ. Thứ hai, có phương án quản lý phù hợp, ví dụ phần vỉa hè nào là để đi bộ, phần nào còn dư thì bố trí ưu tiên cho hoạt động của những người phải mưu sinh bằng hoạt động trên vỉa hè, phần diện tích nữa có thể sử dụng để phục vụ cho việc trông giữ xe máy, ô tô, phục vụ cho hoạt động sử dụng đất dọc theo tuyến phố. Thậm chí, nếu vỉa hè nào có phần đủ rộng, trong khoảng thời gian nhất định trong ngày dành cho người đi bộ (khoảng từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối) nhưng sau đó có thể bố trí sử dụng vào hoạt động khác như kết hợp cho các hộ trước vỉa hè được sử dụng một phần trước mặt để kinh doanh. Tuy nhiên, vỉa hè là tài sản công nên Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng, chỉnh trang cho đẹp, quản lý khai thác cho hiệu quả theo đúng chức năng đã được quy định trong pháp luật. Chúng ta phải làm căn cơ để đảm bảo các chức năng căn bản được đáp ứng và các lợi ích khác được hài hòa thỏa mãn và quan trọng nhất là có được sự công bằng, bình đẳng, minh bạch trong quản lý và sử dụng vỉa hè.


TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông:

Có cơ chế minh bạch để tránh bảo kê, trục lợi

Nói về lâu dài, bền vững và đúng luật thì vỉa hè không được cho thuê. Vỉa hè theo luật, theo đúng chức năng của nó là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ hiện nay khi diện tích dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội đang thiếu, hạ tầng các chợ chưa đáp ứng hoặc giá thuê quá cao, xây dựng không hợp lý… thì chúng ta có thể sử dụng những khu vực có vỉa hè rộng từ 5 - 6m, trong đó đã dành 1,5 - 2m cho người đi bộ ở phía ngoài, phía trong còn lại có thể dành cho để xe và những người buôn bán có đời sống khó khăn thuê và tiền đó để vào công quỹ. Điều này mang ý nghĩa nhân văn đối với người buôn bán nhỏ trên vỉa hè.

Dù vậy, trong quá trình thực hiện cần phải tăng cường giám sát, xử lý nhanh những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch để tránh bảo kê, trục lợi. Những đơn vị quản lý việc cho thuê phải là đơn vị chuyên nghiệp của Nhà nước và phải đảm bảo công khai về giá cho thuê. Đặc biệt, tên gọi của đơn vị này phải thể hiện được quan điểm của chính quyền là vỉa hè chỉ hỗ trợ người dân khi hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu để xe và buôn bán chứ hoàn toàn không phải mang vỉa hè ra để kinh doanh, cho thuê thương mại. Khi nào hạ tầng đáp ứng được các nhu cầu đỗ xe, buôn bán thì vỉa hè phải hoàn toàn dành cho người đi bộ.