Theo thông tư 39/2016/TT-NHNN, từ ngày 15/3/2017, lãi suất cho vay sẽ được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận. Điều này có nghĩa là người vay có quyền “mặc cả” với ngân hàng khi vay tiền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này.
Được “mặc cả” với ngân hàng
Với thông tư này, khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung - cầu, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Hay nói cách khác, khách hàng được quyền “mặc cả” về lãi suất với ngân hàng (NH) khi vay.
Có thể nói, đây chính là điểm mới và mang tính bứt phá được thực hiện theo đúng quy luật thị trường. Quy định này đã phân định rõ ràng giữa vay NH và vay dân sự. Việc phục hồi cho vay tuần hoàn là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp (DN), người dân, NH và cả nền kinh tế. Các chuyên gia khẳng định, việc ban hành thông tư này là quyết định phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.
Việc thỏa thuận lãi suất không áp dụng trong cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất tối đa cho vay đối với 5 lĩnh vực này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định trong từng thời kỳ. Ngoài ra, Thông tư 39 đã phục hồi hoạt động cho vay tuần hoàn mà trước đó đã bị dừng.
Để siết chặt quản lý các công ty tài chính, NHNN cũng ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Cụ thể tại thông tư này quy định, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay như lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất cho vay, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn, lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả, phương pháp tính lãi tiền vay...
Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất toàn hệ thống trong từng thời kỳ và bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Còn nhiều băn khoăn
Nhiều DN cho rằng, Thông tư 39 sẽ giúp các DN chủ động được các phương án kinh doanh theo hướng thuận mua vừa bán, theo cơ chế thị trường. Có nghĩa là nếu DN có phương án kinh doanh tốt thì sẽ vay được lãi suất rẻ, nếu phương án kém hiệu quả thì phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn.
Bà Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Linh Anh cho rằng: “Thông tư này tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng và sòng phẳng. DN khi vay NH nếu có phương án trả nợ tốt, có tài sản đảm bảo cao thì có thể “mặc cả” với NH để có lãi suất tốt nhất sao cho hai bên cùng có lợi”.
Trái ngược với những ý kiến trên, nhiều người lại lo ngại về hiện tượng tái diễn tình trạng đua lãi suất trung, dài hạn và các DN sẽ không được bảo vệ bởi trần lãi suất. Nhiều người nghi ngại, nếu không kiểm soát được sẽ diễn ra một cuộc chạy đua huy động lãi suất tiết kiệm, gây khó cho mục tiêu ổn định lãi suất.
Không chỉ lãi suất huy động sẽ bị động mà lãi suất cho vay cũng sẽ bị điều chỉnh theo, các khoản vay khác được thả nổi sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao, nhất là trong bối cảnh tín dụng phục vụ cho tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ khối NH.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, về lý thuyết, việc bỏ trần lãi suất trong hoạt động cho vay là phù hợp với yêu cầu chung, xuất phát từ thực tế của thị trường. Nhưng điều đó chỉ hợp lý trong trường hợp hoạt động cho vay được tiến hành bình thường, bình đẳng giữa các DN.
Vì thế, để giữ ổn định được lãi suất thì NHNN cần có cơ chế kiểm tra, giám sát cũng như thông tin công khai, minh bạch về các NH.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất được đánh giá theo cung - cầu của thị trường, phản ánh sự vận hành của thị trường. Do đó, việc thả nổi lãi suất có thể đẩy lãi suất lên rất cao, khiến nhiều thành phần kinh tế không thể vay được vì chi phí vay quá lớn. Nhưng khi lãi suất hạ xuống quá thấp, người dân và DN lại ào ào đi vay dẫn tới nguy cơ gia tăng lạm phát. Vì thế, cần có sự điều tiết của Nhà nước.