Hội tụ đặc sản của 7 dân tộc
Sau hai lần tổ chức, Phiên chợ vùng cao phía Bắc, một chương trình trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của du khách. Các loại đặc sản mà đồng bào dân tộc mang tới luôn "cháy hàng". Đặc biệt, có nhiều loại hết sạch sau một giờ khai mạc khiến nhiều người đi chợ vẫn "thèm" vì chưa được thưởng thức những món "độc" của các dân tộc. Bởi vậy, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam quyết định mở lại phiên chợ vùng cao trong đợt kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.
Chợ vùng cao tại ngôi nhà chung của 54 dân tộc Việt Nam lần này có sự tham gia của các cộng đồng dân tộc thuộc 5 tỉnh miền núi phía Bắc. Đó là, dân tộc Mông, dân tộc Dao thuộc tỉnh Hà Giang; dân tộc Thái thuộc Sơn La; dân tộc Nùng thuộc Lạng Sơn; dân tộc Mường thuộc Hòa Bình; dân tộc Tày thuộc Bắc Kạn. Chợ mở lần này mang theo nhiều hoạt động đặc sắc như: Tái hiện không gian văn hóa chợ vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc với không khí đậm nét văn hóa chợ vùng cao, ấn tượng cho du khách đi chơi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống; Giới thiệu và bán sản vật địa phương như hàng thổ cẩm các loại, đồ dùng, vật dụng của người dân tộc, các loại thực phẩm tươi như rau, củ, quả của miền núi, các loại thuốc dân tộc…; Giới thiệu và bán ẩm thực đặc trưng dân tộc như: Thắng cố, mèn mén, thịt lợn gác bếp, bánh gạo đặc trưng của dân tộc Tày, gạo, miến, măng đặc sản, thương hiệu vùng miền, dân tộc…
Điểm nhấn của phiên chợ vùng cao lần này là tổ chức Ngày Văn hóa ẩm thực Tây Bắc (28/4) và Ngày Văn hóa ẩm thực Đông Bắc (30/4). Du khách sẽ được giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, quá trình chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng, độc đáo như: Quy trình nấu rượu ngô dệt và vẽ hoa văn của dân tộc Mông, quy trình làm một số bánh đặc trưng của dân tộc Tày… Ngoài ra, chợ vùng cao còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc trưng của đồng bào các dân tộc như: Múa sạp, ném còn… Các cộng đồng sẽ giới thiệu về phong tục, tập quán, nghi thức, lễ hội, ẩm thực, sản vật độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình tại không gian nhà ở của họ trong khu các làng dân tộc, thuộc làng văn hóa để phục vụ du khách.
Khám phá Làng văn hóa bằng xe điện
Theo bà Toán Thị Hương, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Các hoạt động chợ vùng cao lần này được tổ chức quy củ, đa dạng hơn, nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách trong dịp nghỉ lễ. Để tránh tình trạng "cháy hàng" như những lần trước, đồng bào sẽ tăng cường cả về số lượng và chất lượng các loại đặc sản. "Làng sẽ có xe điện phục vụ du khách tham quan không gian văn hoá tại chợ vùng cao, khu các làng dân tộc. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều tuyến tham quan khác nhau để du khách không chỉ được thưởng thức nhiều đặc sản ở Chợ vùng cao mà còn có dịp trải nghiệm không gian văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc anh em trong Ngôi nhà chung. Đặc biệt, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu cho du khách ở tất cả các điểm dừng" - bà Hương cho biết.
Hai lần mở chợ tại lần trước khẳng định được sức hút của không gian mang hương sắc văn hóa riêng của các dân tộc, cũng như những phong vị ẩm thực độc đáo mà người thành phố ít khi được thưởng thức. Đây không chỉ là dịp giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào 54 dân tộc tới du khách trong nước và quốc tế mà còn tăng cường quảng bá điểm đến Ngôi nhà chung Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Từ đó, gợi mở hướng bảo tồn, phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc có dịp giao lưu, học hỏi cùng tiến bộ và phát triển.