TP đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời để chấn chỉnh những sai phạm, song cách thể hiện trên biển hiệu vẫn "trăm hoa đua nở" khiến đường phố Thủ đô thêm lộn xộn.
Sai mà không xử phạt
Vòng qua các con phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân, Linh Lang… tràn ngập các tấm biển hiệu, quảng cáo bằng chữ Hàn, chữ Nhật để giới thiệu, quảng bá đủ thứ dịch vụ từ ăn chơi, giải trí, mua sắm, làm đẹp. Hầu hết người dân Hà Nội nhìn những tấm biển này hiểu rõ nội dung là gì. Ở nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội như Hàng Bông, Nhà Thờ, Hàng Trống, trung tâm quận Hoàn Kiếm, các nhà hàng, khách sạn chủ yếu trưng biển tiếng Anh mà không có dòng chữ tiếng Việt nào. Lý giải điều này, chủ cửa hàng cho rằng để tiện cho người nước ngoài tìm và còn là chạy theo trào lưu "trông cho nó sang”. Các biển hiệu quảng cáo này chỉ dùng tiếng nước ngoài hoặc nếu dùng hai thứ tiếng thì chữ Việt thường bị lấn át về cỡ chữ.
Biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài của nhiều cửa hàng trên đường Linh Lang, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng |
Đó là chuyện của những cửa hàng lớn. Còn rất nhiều các cửa hàng nhỏ khác, có cách quảng cáo “choáng váng” kiểu như “Bún chả Sinh Từ chính hiệu lâu năm” kèm theo dưới là dòng chữ “Lưu ý: Cửa hàng kế bên mới mở”. Hay như “Đại hạ giá. Giá sốc tận óc”; “Hàng nhập khẩu từ Mỹ, giá Việt Nam” … Không chỉ gây “sốc tận óc” cho người qua đường đọc phải, rất nhiều biển hiệu quảng cáo còn sai chính tả, văn phạm kiểu như “xửa xe, vá xăm”, “sôi chả ruốc”, “mỳ sào”, “nem dán”. Tình trạng quảng cáo “tự phong” cũng xuất hiện nhan nhản với các tiêu chuẩn hàng đầu kiểu như “ở đâu rẻ nhất, chúng tôi rẻ hơn”, “xịn nhất Hà Nội”, rồi “gia truyền”, “chính hãng”, “Ăn được, ngủ được là tiên, không ăn được ngủ được trả lại tiền”… Không dựa theo tiêu chí cũng chẳng qua cuộc bình chọn nào, những biển hiệu sai sự thật này xuất hiện vô tội vạ và ngày càng nhiều. Trong khi thực tế, chưa có tiền lệ xử phạt những kiểu biển hiệu như trên.
Cán bộ quản lý lơ mơ
Văn bản pháp luật đã quy định rõ ràng biển hiệu phải là tiếng Việt, nếu có tiếng nước ngoài thì chỉ là chú thích, kích cỡ chữ phải nhỏ hơn phần tiếng Việt; thế nhưng trong cuộc giám sát ngày 26/11, một cán bộ quận Cầu Giấy vẫn lơ mơ cho rằng không có quy định nào cấm biển hiệu là tiếng nước ngoài hay tiếng Việt. Còn nhớ năm 2001, trên phố Trần Huy Liệu, từng có một cửa hàng có tên gọi “Ối giời ơi”. Không lâu sau, một cửa hàng bán quần áo trên phố Tôn Đức Thắng cũng treo tấm biển rất to, đỏ đến nhức mắt “Ối giời ơi, rẻ quá!”. Những biển hiệu này cứ ngỡ do chủ cửa hàng tự ý lập nên, thế nhưng khi Phòng Quản lý văn hóa của Sở VH&TT Hà Nội đến kiểm tra mới ngã ngửa cửa hàng trưng ra đầy đủ giấy tờ, hóa ra tên biển hiệu này đã được công nhận trong giấy đăng ký kinh doanh. Không xử lý được, Sở và UBND quận Đống Đa đành vận động chủ cửa hàng, hạ biển xuống cho đỡ… mất mỹ quan đô thị.
Liên quan đến lĩnh vực loạn biển quảng cáo, ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT Hà Nội) cho biết: “Đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội. Theo nội dung Quy chế, việc viết, đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại trụ sở của họ sẽ không phải xin phép, tuy nhiên phải đảm bảo kích thước như quy định trong quy chế mới được ban hành”.
Ông Thưởng cho rằng, chính việc trước đây không quy định kích thước của biển hiệu nên một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở này thực hiện lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị. Với quy định trên nếu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì việc xử lý tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn Thủ đô sẽ tạo được bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh mặt hình thức thì việc rà soát, chấn chỉnh và khắc phục những biển quảng cáo có nội dung không phù hợp, sai lỗi chính tả cũng thật cần thiết để trả lại mỹ quan của đường phố Hà Nội.