Còn ông HLV trưởng Fajer Ebrhim cũng “thao thao bất tuyệt” rằng ông đã nghiên cứu kỹ băng hình về ĐTVN. Thậm chí, Fajer Ebrhim còn đùa rằng ông hy vọng sẽ có một trận đấu cởi mở giữa những người đã hiểu quá rõ về nhau.
Nói đặc biệt là bởi kiểu “chơi bài ngửa” như vậy rất khác với trò tung hỏa mù, đánh “đòn gió” thường thấy trước những trận đấu lớn. Chẳng nói đâu xa, ngay ở Đông Nam Á, cứ trước SEA Games hay AFF Cup là người ta lại bàn nhau rằng đội này, đội kia đang giấu bài, chơi chiêu để chờ bước vào mặt trận chính mới tung hết sức lực. Cách tư duy ấy dường như không xuất hiện sáng qua.
Chưa hiểu ông Calisto và cả ông Fajer Ebrhim hiểu về nhau tới mức nào (dù thực tế là họ chưa bao giờ đối đầu với nhau trên sân cỏ) nhưng có một điều phải thừa nhận rằng ở họ toát lên một sự tự tin rất lớn. Tin ở chính mình và tin rằng đối thủ dù hay cũng chẳng thể vượt qua mình. Có lẽ cũng vì thế mà một mặt hết lời đưa đối phương “lên mây xanh”, mặt khác cả hai ông đều khẳng định mục tiêu là 3 điểm, đồng nghĩa với một chiến thắng.
Suy cho cùng, trò “chơi bài ngửa” như vậy cũng có tác dụng tích cực. Bởi sự tự tin của những ông thày cũng sẽ được truyền vào các học trò. Khi chưa vào sân thi đấu, yếu tố tâm lý tốt coi như đã giải quyết được một lượng công việc đáng kể trong quá trình chuẩn bị. Đấy cũng là lý do mà Calisto và Ebrhim đều muốn khẳng định họ đã biết quá rõ về nhau?
Dĩ nhiên, biết đến đâu và trị được đến đâu, cứ phải chờ thực tiễn sân cỏ mới trả lời được. Còn hiện tại, hãy cứ đếm ngược thời gian đến “giờ G”. Lúc ấy mới biết trong trò chơi bài ngửa của Calisto và Ebrhim, ai là người chiến thắng.