Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn ngành gắn với thực tiễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động hơn trong nhận thức ngành nghề, tìm hiểu những ngành có nhiều cơ hội việc làm, phù hợp với bản thân, giảm áp lực từ bố mẹ là những thông tin được nhiều học sinh (HS) lớp 12 quan tâm trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Nhận thức của thí sinh đang thay đổi

Các đợt tư vấn tuyển sinh mùa thi năm nay cho thấy, nếu năm trước nhiều HS ở ngoại thành lúng túng trong việc tìm thông tin tuyển sinh, thì năm nay các em đã quan tâm đến nhu cầu sát thực. Chẳng hạn, học ngành gì, của trường nào ra trường có việc làm ngay; làm những công việc, những ngành nghề mà 3 - 4 năm nữa xã hội có nhu cầu nhân lực nhiều. Năm nay, những ngành đào tạo về điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, thủy sản, xuất bản… được nhiều em quan tâm. Tại buổi tư vấn tuyển sinh ở trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì) mới đây, giải đáp băn khoăn của một HS lớp 12 chọn ngành Điện tử viễn thông, đại diện trường CĐ Điện tử, điện lạnh Hà Nội cho biết, ngành này có tương lai bởi khối doanh nghiệp điện tử liên doanh nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang rất cần nhiều thợ lành nghề. Hiện, Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel phát triển thị trường sang Campuchia và châu Phi cũng cần nhiều nhân lực giỏi. 

 
Học sinh đăng ký dự thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013.     Ảnh: Yên Chi
Học sinh đăng ký dự thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013. Ảnh: Yên Chi
Nền kinh tế toàn cầu suy giảm cũng tác động đến suy nghĩ của các em trong việc chọn nghề. Thay vì Tài chính - Ngân hàng, đã có nhiều em chọn Sư phạm. Đây là tín hiệu mừng để các trường đào tạo giáo viên có điều kiện tuyển chọn thí sinh có học lực khá, giỏi. Tuy nhiên, có em lại băn khoăn chọn ngành xã hội đang cần mà mình không say mê, như vậy có tốt không? Cô Hà Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: "Chọn trường nhưng phải phù hợp với bản thân và năng lực. Muốn vậy, các em phải làm bài test. Nghề sư phạm và các nghề khác đều cao quý, điều cốt yếu là phải đi đúng bằng đôi chân của mình để tiến bước". Điều đáng nói, đã có những em nhận thức được học lực của mình không thể đỗ ĐH, nên cân nhắc đi học CĐ hoặc TC. Đây là cách phân luồng vào ĐH, CĐ tốt nhất, tránh lãng phí về thời gian, tiền bạc của gia đình và xã hội.

Chọn ngành trước, chọn trường sau

"Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng", em nào giỏi về tự nhiên thì đăng ký các ngành tự nhiên, giỏi về khoa học xã hội thì chọn ngành xã hội. Chọn ngành trước, chọn trường sau. Cùng một ngành, nhưng mỗi trường lại lấy điểm đầu vào khác nhau, nên các em cần tham khảo điểm các trường xét tuyển năm trước để lượng sức mình" - TS Nguyễn Lê Minh - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Việc làm, Bộ LĐTB&XH đưa ra lời khuyên. 

Chia sẻ về kế hoạch "Tư vấn định hướng nghề nghiệp cho HS năm học 2013 - 2014", bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội) cho biết, qua các đợt tư vấn vừa rồi, các chuyên gia tư vấn hướng dẫn các em phương pháp chọn ngành nghề phù hợp, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe để ôn bài, tạo lập cho các em sự tự lập và chủ động trong chọn nghề. Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, bà Trinh khuyên HS chọn ngành gồm 5 bước lựa chọn. Hãy hiểu mình, hiểu nghề, tìm hiểu kỹ chỉ tiêu và điểm xét tuyển vào ngành của năm trước, xác định mục tiêu phù hợp với tính cách và đi đến quyết định chọn ngành gì và trường nào. Đừng vì tâm lý cứ vào ĐH thì mới có cuộc sống tương lai ổn định mà chọn ngành không yêu thích.

Trao đổi về những ngành nghề “hot” trong vài năm tới, TS Nguyễn Lê Minh cho biết, nền kinh tế chưa hết khó khăn nên một số ngành nghề trước đây rất "hot", nhưng khó kiếm việc (tài chính - ngân hàng, kỹ sư xây dựng, kỹ sư hóa vô cơ về ximăng, nấu thép). Nhà nước đang tái cơ cấu lại nền kinh tế, nên có thể 3 - 4 năm nữa các ngành này lại cần nhiều nhân lực. Hiện, sinh viên ra trường khó tìm việc làm, nhưng không phải không kiếm được. Người ta vẫn cần những người giỏi, những người chuyên môn kém, tác phong công nghiệp tồi, bị sa thải là đương nhiên.