Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn thương hiệu đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo các chuyên gia, Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô có tác động lớn vào thị trường bất động sản (BĐS), nhưng không phải trong giai đoạn trước mắt.

Khi chính sách kiềm chế lạm phát đạt được mục tiêu, chắc chắn, thị trường BĐS sẽ "nóng" lại.
 
Bài toán nguồn vốn
 
Đây là bài toán tác động trực tiếp đến thị trường BĐS, làm cho thị trường này kém giao dịch. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu về năng lực tài chính đã phải tính đến chuyện chuyển nhượng dự án hoặc mua - bán, sáp nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp lớn hơn hoặc thậm chí tính cả đến chuyện mua bán nợ. Có nhà đầu tư cũng đã khơi được nguồn đầu tư từ việc góp vốn.
 
Rõ ràng, thời gian gần đây, chính sách tiền tệ đã được Chính phủ đưa ra những chủ trương điều chỉnh nhất định, nhưng chưa tác động nhiều đến thị trường BĐS, bởi tỉ lệ lãi suất vẫn còn cao so với việc đầu tư BĐS. Nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm nguồn từ FDI để có thể có hợp tác đầu tư. Bàn về vấn đề này, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: "Tiền đầu tư trong dân hiện nay còn rất nhiều, nhưng người dân chưa tin vào một ngày sớm nhất thị trường sẽ ấm lại nên chưa động viên được tiền để đầu tư. Chính vì vậy, việc huy động luồng vốn này vào đầu tư chưa hiệu quả. Niềm tin này sẽ làm nguồn vốn từ tiết kiệm, tiền nhàn rỗi sẽ được khơi thông vào thị trường. Nó sẽ là một trong những luồng giải quyết vốn cho thị trường".
 
Một tín hiệu sẽ giảm nhiệt nhu cầu nguồn vốn cho BĐS là ngày 13/9 vừa qua, Bộ Xây dựng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay BĐS; chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các dự án đang hoàn thiện. Nhưng vẫn hạn chế cho vay bồi thường, GPMB, các dự án khởi công mới (trừ các dự án nhà ở xã hội), các dự án bất động sản cao cấp...
 
Có nên đầu tư vào thời điểm này?
 
Hiện tại, thị trường BĐS có không ít tin đồn, khu vực này, khu vực kia có người đang gom hàng. Thông tin mới nhất là một đại gia trong ngành ngân hàng đang ráo riết mua đất nền trong dự án Vân Canh. Thực hư thế nào lại là chuyện khác, nhưng vừa rồi, lực lượng Công an Hà Nội triệt phá một ổ nhóm làm giả hồ sơ để lừa đảo những khách hàng có nhu cầu mua biệt thự chia lô tại Khu ĐTM Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Vì vậy, những cảnh báo trong đầu tư BĐS luôn không thừa. Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà cho rằng: Trong giai đoạn này, giải pháp an toàn nhất là đầu tư vào một số dự án góp vốn có thể hoàn thành vào cuối năm, hoặc năm 2012 của những chủ đầu tư có thương hiệu, uy tín.
 
GS. TS Đặng Hùng Võ cho biết, giá nhà, đất một số nơi đã "bắt đáy" nhưng Hà Nội thì chưa. Thứ hai, việc quyết định mua lúc này còn phụ thuộc vào vốn của người ta hay đi vay. Nếu tính đến chuyện đi vay để đầu tư lúc này để lấy thời cơ sinh lợi thì chưa phải lúc. Còn nếu dùng vốn dự trữ của mình, có thể giữ lâu dài, có lẽ chuyện đi tìm kiếm cho mình chỗ ở tương lai, thậm chí có thể giữ BĐS đó trong dài hơi, cũng có thể tính đến được.
 
Nhận định về thị trường ngắn hạn, GS Võ cũng như nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, câu chuyện kiềm chế lạm phát chưa thể giải quyết sớm trong năm nay. Chính vì vậy, hy vọng để thị trường BĐS "ấm" lên phải nhìn trong năm 2012.

Đây chưa phải là giai đoạn suy thoái của thị trường BĐS mà mới chỉ ở mức các giao dịch giảm. Không phải mọi loại BĐS đều giảm giao dịch, nhưng nói chung là giao dịch đang trầm lắng và tình trạng thiếu vốn đang xảy ra. Biểu hiện là, thế chấp vay tín dụng bằng BĐS hiện nay vẫn khống chế dưới 10% của tổng dư nợ tín dụng. Kể cả những nơi giá BĐS có thể hạ xuống từ 20 - 30% nhưng vẫn còn cao hơn giá cả sản xuất ra hàng hóa BĐS. Điều này cũng có nghĩa là chưa có nguy cơ làm nhà đầu tư bị thua lỗ, mất vốn nhiều.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ