Tại hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" tổ chức ngày 30/12, bên cạnh sự ghi nhận về những chuyển biến, những đóng góp và nỗ lực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, những khó khăn phải đối diện trong năm 2015. Từ góc nhìn của một nhà quản lý, Chủ tịch UBND TP đã chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm có điều kiện khả thi để thực hiện kế hoạch hiệu quả. Việc nhỏ, không dễ Tại hội nghị sơ kết, Ban chỉ đạo Năm trật tự và văn minh đô thị đã đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. UBND TP đã kịp thời động viên những tập thể xuất sắc có cách làm hay, hiệu quả đồng thời rút kinh nghiệm, xác định giải pháp để "Năm trật tự văn minh đô thị - 2015" đạt hiệu quả hơn. Chủ tịch UBND TP cho biết, một năm thực hiện Chỉ thị số 01 đã tạo nên những tiến bộ, chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự như mong muốn. TP đã đề xuất và được sự đồng ý của Thành ủy để năm 2015 tiếp tục là Năm trật tự và văn minh đô thị, thực hiện với 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường để TP sáng, xanh, sạch, đẹp; Tăng cường trật tự ATGT, đảm bảo đường thông, hè thoáng; Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Từ kinh nghiệm của năm 2014 cho thấy, việc ban hành Chỉ thị số 01 là một chủ trương đúng đắn, nhưng trong thực hiện cần lựa chọn chủ đề một cách chắt lọc, đúng đắn, để nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. TP đã xanh hơn, sáng hơn, đẹp hơn, ý thức của người dân đã tăng lên, trật tự hơn. Nhận thức và ý thức hành động của mỗi người dân Hà Nội đã có sự chuyển biến, từ ở ngoài xã hội, công sở đến trong từng khu dân cư, gia đình. Nhiều việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng rất phức tạp, nhiều việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại rất khó. Việc giải tỏa 200 điểm chợ cóc, chợ tạm trong năm 2014 cũng là một cố gắng được đánh giá cao. Chợ dân sinh là nhu cầu của người dân, việc xử lý phải giải quyết các điểm chợ phù hợp, để không lấn chiếm ra đường, ra hè. Từ việc nhìn nhận về thói quen sinh hoạt, mức độ tiêu dùng của người dân, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh một số điểm trước đây xác định là trung tâm thương mại nay phải quay trở lại xây dựng chợ dân sinh. Để thực hiện được thay đổi này, TP đã phải giải quyết những vấn đề phức tạp như bù đắp cho nhà đầu tư khi chuyển hướng. Hay như việc sắp xếp các địa điểm kinh doanh, tháo dỡ mái che, mái vẩy, cũng không đơn giản. Nhà dân, cửa hàng cần có mái che, vậy tháo dỡ phải đi cùng với việc hướng dẫn người dân làm mái che, mái vẩy cho phù hợp với kiến trúc đô thị và phù hợp với khả năng kinh tế của người dân. Đánh giá về những tồn tại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng còn có những vấn đề chưa chuyển biến, chuyển biến còn chậm; còn nhiều nơi nhếch nhác, đường phố bụi bặm; còn những ngõ, phố chưa được sắp xếp, chỉnh trang. Một số tuyến giao thông được phân làn, phân luồng chưa phù hợp. Người tham gia giao thông tại Hà Nội chưa tuân thủ trật tự như TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND TP chỉ ra rằng, hai vấn đề đang có nguy cơ tái phát đó là ùn tắc giao thông và nguy cơ tái diễn tình trạng đổ phế thải, rác thải bừa bãi. Chọn vấn đề thiết thực Nhiệm vụ trọng tâm của "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015" đó là trật tự giao thông, đường thông hè thoáng. Chủ tịch UBND TP phân tích, phải tuyên truyền để người dân khi tham gia giao thông, đi đúng làn đường, khắc phục tình trạng đi lại lộn xộn. Giải pháp thực hiện là cải thiện hạ tầng giao thông, giữ gìn lòng đường phục vụ cho giao thông, đỗ xe theo quy định, có sự quản lý. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền để người Hà Nội là đi đúng phần đường, làn đường. Cùng với đó, tập trung chỉnh trang, mỹ quan, môi trường đô thị Hà Nội. Chủ tịch TP thẳng thắn nhận định, điểm yếu kiến trúc của Hà Nội thể hiện ở việc lát gạch vỉa hè còn lòe loẹt; biển hiệu, chiếu sáng còn chưa có tính nghệ thuật, mỹ thuật… Văn hóa ứng xử của người Hà Nội nơi công cộng cũng còn có vấn đề. Hiện tượng mặc áo may ô, quần đùi ra đường đã không còn như trước nhưng chính sự hội nhập văn hóa mà chưa lựa chọn được nét tinh hoa đã tạo nên những vấn đề trong ứng xử. Bước sang năm 2015, để tạo sự chuyển biến rõ nét trong giao thông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc bằng các dự án hạ tầng giao thông mà còn phải chú trọng đến trật tự, văn minh, thể hiện văn hóa của người dân Hà Nội. Về việc đưa ra quy tắc ứng xử cũng như thực hiện, Chủ tịch cho rằng, quan trọng là người dân phải chấp nhận, cần lựa chọn những vấn đề thiết thực, dễ hiểu, dễ làm và lợi ích thấy rõ. TP lựa chọn những đầu việc lớn, các ngành lựa chọn lĩnh vực, địa phương lựa chọn địa bàn để tập trung thực hiện, tạo mô hình để nhân rộng, thu hút nhiều người tham gia, huy động nguồn lực của xã hội. Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, cần tính đến sự khả thi, nguồn lực, hiệu quả. Cách làm kinh điển nhưng hiệu quả đó là tổ chức thành đợt cao điểm, ra quân, khuấy động phong trào. Kỳ vọng năm 2015 sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, không chỉ xanh, sạch, đẹp, Hà Nội cần hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại hơn.
Đường Hoàng Quốc Việt khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Công Hùng |
KTS Trần Huy Ánh: Nên có phương án đồng bộ sắp xếp xe trên hè Trong năm qua, các quận, huyện, phường, xã đã có nhiều chuyển biến với các phong trào thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", và đến nay đã được nhiều người dân hưởng ứng. Đồng thời, các phường, xã đã tích cực ra quân, xử lý vi phạm gây mất trật tự, an toàn giao thông đô thị. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác thải được thực hiện nền nếp, hạn chế đáng kể nạn xả rác ra đường, đổ phế thải không đúng nơi quy định. Nhờ vậy, đường phố sạch đẹp hơn, việc xử lý vấn đề nước ngập, ô nhiễm rác thải tốt hơn so với trước đây. Tuy nhiên, với việc kẻ vạch để xe trên đường phố, tôi thấy đầu năm làm tốt hơn hiện nay. Bây giờ vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp để xe trên vỉa hè, lòng đường. Nếu việc kẻ vạch được thực hiện tốt, người dân sẽ có nhận thức được ranh giới rõ ràng hơn. Nếu có phương án đồng bộ, xe cộ sẽ để ngăn nắp hơn. Ngoài ra, tôi cho rằng, chúng ta có thể sử dụng biện pháp phạt nguội thông qua các camera ghi hình trên đường phố mà nhiều nước đang áp dụng. Đây cũng là một biện pháp giám sát trật tự đô thị, an toàn giao thông trên đường phố. Ông Nguyễn Khắc Sủng Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Văn Quán (quận Hà Đông): Xây dựng tinh thần đoàn kết Triển khai thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" chính quyền quận Hà Đông nói chung và phường Văn Quán đã tổ chức rất nhiều các đợt tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm. Nhờ đó bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực được Nhân dân ghi nhận. Đơn cử như tại phố Nguyễn Khuyến (quận Hà Đông), nhờ tuyên truyền rộng khắp từ quận đến các phường, khu dân cư người dân đã nhận thức và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định như không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không bày bừa vật liệu xây dựng, tập trung rác thải đúng nơi quy định bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị... Những hành động này không chỉ góp phần thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" mà góp phân tăng tính đoàn kết giữa các hộ dân, các khu, tổ dân cư trong khu vực. Ông Vương Sỹ Đoàn - Chủ tịch UBND phường Khương Đình, quận Thanh Xuân: Tuyên truyền - yếu tố quyết định sự thành công Để thực hiện tốt Chỉ thị 01 của UBND TP nói riêng và đảm bảo trật tự đô thị, ATGT, mỹ quan đô thị ngoài việc chính quyền các địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm thì công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc xử lý và chống tái vi phạm. Bởi nếu làm tốt công tác tuyên truyền, từ người vi phạm đến các tổ chức đoàn thể khu dân cư sẽ hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước. Đơn cử như tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh trên phố Vũ Tông Phan. Trước đây, tại khu vực này mặc dù các lực lượng chức năng từ quận đến phường đã nhiều lần giải tỏa nhưng chỉ sau một thời gian vi phạm lại tái diễn. Tuy nhiên, khi báo chí vào cuộc, UBND phường tăng cường công tác tuyên truyền nên đã huy được động được sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức đoàn thể khu dân cư, người dân sống trong khu vực vi phạm đã được xử lý và kết quả đó vẫn tiếp tục duy trì. |