Đội quản lý thị trường số 5 TP Hà Nội kiểm tra, truy xuất hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Hải |
Diễn biến phức tạp
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho thấy, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài (Trung Quốc) sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Đáng chú ý, phương thức vận chuyển đã thay đổi theo hướng giảm vận chuyển đường bộ các hàng nhập lậu giá trị cao như ngoại tệ, sừng tê giác mà chuyển sang đường hàng không dưới dạng hàng miễn thuế, quà biếu để vận chuyển hàng lậu.
Năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn về ma túy, động vật hoang dã, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…; đánh trúng, đánh đúng nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn. Kết quả, đã xử lý 31.246 vụ; khởi tố hình sự 113 vụ đối với 141 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 4.466,3 tỷ đồng. |
Thượng tá Cao Văn Lộc, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) nêu rõ: Vào thời điểm áp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu pháo. Chẳng hạn ngày 15/12/2019, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Hoàn Kiếm) phát hiện Lưu Chí Cường, sinh viên của một trường cao đẳng tại Hà Nội đang vận chuyển 37kg pháo. Không chỉ vậy các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để buôn bán các mặt hàng cấm như pháo lậu, tiền giả.
Không chỉ hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp mà việc sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng trong tình trạng tương tự. Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) đã phát hiện, thu giữ gần 3.000 sản phẩm thời trang giả mạo các thương hiệu Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci... là minh chứng cho tình trạng DN Việt mua hàng giả ở nước ngoài, tuồn vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Mạnh tay ngăn chặn
Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Vì vậy trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả.
Hiện có tình trạng một số đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, thuê nhà ở khu đô thị làm nơi cất giữ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại nên lực lượng chức năng khó xác định địa chỉ của đối tượng bán hàng.
Để tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả…, các đại biểu kiến nghị trong thời gian tới bộ, ngành, cơ quan quản lý cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Cụ thể, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn, giải thích quy định về mặt hàng thuốc lá điếu theo Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản luật liên quan để cơ quan thực thi chống buôn lậu thuốc lá điếu đạt hiệu quả; Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, cảng hàng không quốc tế...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu: Các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ (ngày 9/6/2015) về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trước mắt, tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; Tăng cường các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với lực lượng chức năng T.Ư và các tỉnh, TP nhất là các tỉnh biên giới để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.