Tính từ tháng 1 - 6 năm nay, 51.405 trường hợp tử vong tại Thụy Điển đã được báo cáo, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Nước này hiện cũng có mức tăng dân số thấp nhất kể từ năm 2005, với con số thặng dư là 6.860 người vào năm 2020, thấp hơn một nửa so với năm trước. Số liệu nhập cư đã giảm 34,7% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu giảm trong quý II/2020.
Không giống như hầu hết các quốc gia, Thụy Điển không rơi vào tình trạng phong tỏa gián đoạn khi đại dịch Covid-19 lây lan khắp châu Âu hồi tháng 3 năm nay. Thay vào đó, Chính phủ nước này đề cao trách nhiệm cá nhân, trong khi hầu hết các quán bar, nhà hàng, trường học... vẫn mở cửa.
Mặc dù theo đuổi mục tiêu "miễn dịch đàn" mà không có vaccine, tính đến cuối tháng 4, chỉ có 7,3% người dân ở thủ đô Stockholm phát triển các kháng thể cần thiết để chống lại virus, thấp hơn rất nhiều so với 70 - 90% cần thiết đạt được. Đến đầu tháng 6, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã hơn 4.500 người, hiện ở mức 5.802.
Phần lớn những lời chỉ trích xung quanh phản ứng của Thụy Điển tập trung vào tỷ lệ tử vong cao tại các viện dưỡng lão. Hồi tháng 6, chuyên gia dịch tễ học cấp cao của Thụy Điển Anders Tegnell thừa nhận rằng Cơ quan Y tế Cộng đồng của nước này "không lường trước được tình huống lớn như vậy khi để dịch bệnh lây lan trong các nhà chăm sóc người già, với rất nhiều trường hợp tử vong".
Tuy nhiên ông vẫn khẳng định với tờ Dagens Nyheter: "Có những điều mà lẽ ra chúng tôi có thể làm tốt hơn nhưng nhìn chung tôi nghĩ rằng Thụy Điển đã chọn đúng cách". Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 7, ông Tegnell một lần nữa bảo vệ cách tiếp cận của đất nước: "Chúng tôi vẫn tin rằng chiến lược này đã phục vụ chúng tôi rất tốt ở nhiều khía cạnh khác nhau".
Anders Tegnell hôm 20/8 giải thích trên Financial Times rằng Thụy Điển không khuyến khích sử dụng khẩu trang - vốn được coi là chìa khóa để giảm sự lây lan của virus ở nhiều quốc gia khác - vì chúng có thể khuyến khích mọi người chấp nhận rủi ro nhiều hơn.
"Khẩu trang có thể là sự bổ sung khi những thứ khác đã an toàn. Nhưng để bắt đầu với việc đeo khẩu trang và sau đó nghĩ rằng bạn có thể chen chúc trên xe buýt hoặc trung tâm mua sắm của mình thì chắc chắn là một sai lầm", ông nói thêm.
Và mặc dù không phong tỏa, Thụy Điển cũng không tránh khỏi thiệt hại kinh tế. Các DN khách sạn và du lịch ở nước này nói với CNN rằng họ chịu cú đánh khủng khiếp, trong khi các nhà sản xuất đã bị cắt khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.
Gần 50% nền kinh tế của Thụy Điển được xây dựng dựa trên xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, và cuộc khủng hoảng toàn cầu đã phá hủy nhu cầu quốc tế. Nền kinh tế nước này được dự đoán sẽ giảm hơn 5% trong năm nay, với hàng trăm nghìn người mất việc làm.