Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống hạn vụ Xuân: Đâu là giải pháp căn cơ?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Xuân 2020, công tác chống hạn được đánh giá là tương đối thuận lợi nhờ có lượng mưa lớn. Dù vậy, bài toán đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp căn cơ nhằm bảo đảm việc lấy nước cho các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ trước diễn biến ngày một bất thường của thời tiết.

Chống hạn thuận lợi nhờ mưa lớn
Theo kế hoạch, vụ Xuân 2020, 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) tổ chức gieo cấy tổng cộng 531.200ha lúa. Trước khi bước vào đợt chống hạn cho vụ Xuân, ngành thủy lợi đứng trước một loạt thách thức.
Cụ thể là lượng nước trữ của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình chỉ đạt 9,46 tỷ mét khối, thấp hơn 6 tỷ mét khối so với vụ Xuân 2019. Cùng với đó là việc lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp và tập quán canh tác không đồng nhất giữa các địa phương.
Mặc dù vậy, kết thúc 3 đợt lấy nước cho sản xuất vụ Xuân 2020, kết quả đạt được lại rất tích cực. Thống kê cho thấy, tổng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện phục vụ công tác chống hạn là 2,68 tỷ mét khối. Con số trên thấp hơn 1,74 tỷ mét khối so với năm 2019; 3,06 tỷ mét khối năm 2018; 1,99 tỷ mét khối năm 2017 và 0,35 tỷ mét khối năm 2016 (năm có mưa trái mùa lớn).
 Vận hành Trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2020
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất giúp công tác chống hạn vụ Xuân 2020 đạt hiệu quả cao hơn so với một vài năm trở lại đây là do có mưa với lượng khá trên diện rộng sau khi kết thúc đợt lấy nước đầu tiên (phổ biến từ 60 - 90 mm). Trong thời điểm có mưa, các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước nên diện tích đủ nước tăng đáng kể.
Không chỉ chú trọng giải pháp công trình
Trong số 11 tỉnh, TP có tổ chức lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2020, Hà Nội có tổng diện tích canh tác lớn nhất với khoảng 90.000ha. Những năm qua, Hà Nội cũng là nơi gặp nhiều khó khăn nhất về nguồn nước. Thực tế vụ Xuân 2020, TP là địa phương cuối cùng hoàn thành việc lấy nước. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, TP có nhiều vùng sinh thái, chênh lệch địa hình lớn nên để lấy nước, phải thực hiện bơm nhiều cấp.
Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng có tập quán gieo cấy muộn. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất, theo ông Mỹ là do mực nước hệ thống sông Hồng ngày một hạ thấp khiến nhiều trạm bơm không thể vận hành. Để bảo đảm công tác chống hạn trong điều kiện ít thuận lợi, ông Mỹ kiến nghị Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, xây dựng đập dâng, đập tràn nhằm nâng mực nước sông Hồng lên mức bảo đảm để các trạm bơm vận hành.
Liên quan đến đề xuất của các địa phương về giải pháp công trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ đầu tư nâng cấp một số trạm bơm, trọng đó có Trạm bơm Phù Sa (Hà Nội). Đồng thời, xem xét, xây dựng các công trình chặn dòng, dâng mực nước sông Hồng như đập ngăn, đập ngầm…
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương rà soát các giải pháp để tái cơ cấu ngành thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, có giải pháp xây dựng thiết chế hạ tầng thủy lợi phù hợp.Cùng với giải pháp công trình, về lâu dài, các địa phương cần đẩy mạnh quy hoạch, chuyển đổi vùng sản xuất thích ứng với điều kiện nguồn nước. Cụ thể, vùng trũng thì phải tích nước, một mặt phát triển nuôi trồng thủy sản, mặt khác phục vụ cấp nước ngược trở lại cho gieo cấy. Đối với vùng hạn thì chuyển sang cây trồng cạn.

"Làm thế nào để trũng cũng là tài nguyên, hạn cũng là tài nguyên, từ đó tổ chức tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý nhất..." - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường