Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị triển khai công tác Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (BCĐ127) năm 2013 (ngày 6/3).
Phối hợp lỏng lẻo
Số liệu của BCĐ 127 TP Hà Nội cho thấy, trong năm 2012 lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra 82.990 vụ, xử lý 70.728 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, tịch thu hàng hóa lên tới hơn 1.431 tỷ đồng. Ông Đinh Cao Thành, Phó phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46) Công an TP Hà Nội cho biết: Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, dân buôn lậu đã có nhiều hình thức, thủ đoạn gian lận mới. Khi lực lượng chức năng đẩy mạnh việc chống buôn bán gà lậu, dân buôn lậu đã chuyển từ buôn gà lông sang gà giết mổ sẵn. Hiện, gà nhập lậu không được vận chuyển về chợ Hà Vĩ tiêu thụ như trước mà chở về các địa bàn các xã huyện Thường Tín rồi chia nhỏ cho các điểm giết mổ thủ công. Khi đường bộ, đường biển bị ngăn chặn, dân buôn thực hiện việc chuyển hàng bằng đường hàng không.
Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ rượu nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Cục trưởng cục Hải quan Hà Nội, trên lĩnh vực gian lận thương mại đã xuất hiện thủ đoạn nhập khẩu hàng hóa với số lượng ít nhưng lại khai báo số lượng cao để lấy chứng từ nhập khẩu, sau đó sử dụng bộ chứng từ này lừa đảo ngân hàng để vay tiền. Có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư đã nhập lậu hàng hóa về tiêu thụ trong nội địa hoặc xuất khống qua các cửa khẩu để hưởng chế độ hoàn thuế.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra thị trường nhưng chưa phát hiện được những đường dây ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn. Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động này chưa đạt như mong muốn là do sự phối hợp giữa các ngành chức năng thiếu chặt chẽ, còn mang tính cục bộ, có lúc còn chồng chéo.
Trong khi đó, tại một số địa phương, hoạt động phối hợp giữa lực lượng chức năng với doanh nghiệp, chính quyền địa phương vẫn lỏng lẻo. Điều này dẫn đến việc để xử lý một vụ buôn lậu, hàng giả là phải giải quyết làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.
Tăng trách nhiệm, đồng bộ các giải pháp
Để hoạt động chống buôn lậu, hàng giả đạt hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong năm 2013, các đơn vị thành viên BCĐ 127 Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động phối hợp, thực hiện các kế hoạch liên ngành trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất hàng giả, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường, công an cũng tăng cường công tác điều tra, đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả tại chợ Đồng Xuân, Hà Vĩ, Ninh Hiệp...; Đấu tranh với các hành vi vận chuyển, nhập khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm không bảo đảm chất lượng...
Trong hoạt động chống buôn lậu không chỉ quan tâm tình hình thị trường trong nước mà cần quan tâm hơn việc dự báo kinh tế thế giới, từ đó xây dựng kế hoạch sát với thực tế. Trước mắt, chú trọng kiểm tra ATTP tại các lễ hội; Hoạt động chống buôn lậu gia cầm cần duy trì thường xuyên, lâu dài…
Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương cần lên kế hoạch, phối hợp trao đổi thông tin chống buôn lậu, quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất. Bộ Công Thương sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương, BCĐ 127 các tỉnh, thành theo từng tuyến giao thông nhất định có chỉ huy chung toàn tuyến.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc phối, kết hợp chống hàng lậu, hàng giả, từ đó xây dựng kế hoạch dài hạn, triển khai liên tục thường xuyên. UBND các cấp cũng cần tích cực vào cuộc. Chính Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả. Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu |