Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chốt kiểm soát y tế tự nguyện tại huyện Mê Linh: Khi người dân đồng lòng chống dịch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phòng chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch Covid-19, hàng trăm chốt giám sát y tế tự nguyện đã được lập trên các tuyến đường ngõ xóm vào ra 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mê Linh.

Giám sát y tế hơn 1,3 triệu lượt người
Từ ngày 8/4, khi thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) được cách ly y tế, việc ra vào các thôn xóm trên địa bàn xã Đại Thịnh – địa phương giáp ranh với xã Mê Linh cũng được kiểm soát chặt chẽ. Bí thư Chi bộ thôn Thường Lệ (xã Đại Thịnh) Vương Văn Bích cho biết, được sự đồng ý của UBND xã, thôn đã lập 5 chốt kiểm soát người vào ra các xóm. Theo đó, khách muốn vào thôn phải đo thân nhiệt, khai báo tên tuổi, lô trình (vào nhà ai), số điện thoại.
 Một điểm kiểm soát y tế tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Bên cạnh giám sát y tế người vào thôn, các chốt còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền để người dân trong thôn hạn chế tối đa việc ra ngoài khi không cần thiết. “Khi người dân ra ngoài, chúng tôi sẽ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang; khi quay lại thôn sẽ phải đo thân nhiệt” – chị Nguyễn Thị Ngọc – Tổ trưởng Tổ phụ nữ xóm Cầu (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) cho biết.
Không chỉ tại hai xã Đại Thịnh, Tiền Phong, từ khi thôn Hạ Lôi bị cách ly, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mê Linh đã đồng loạt thành lập các chốt kiểm soát y tế với sự tham gia tự nguyện của nhiều thành phần. Trong đó, nòng cốt là cựu chiến binh, hội viên phụ nữ, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện…
Thống kê đến nay, toàn huyện đã thành lập được 116 chốt kiểm soát y tế tự nguyện. Cùng với hoạt động của 4 chốt được lập tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào huyện, đến nay, các chốt đã tiến hành giám sát y tế cho hơn 1,3 triệu lượt người qua lại địa bàn.
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Đúng như tên gọi, các chốt kiểm soát y tế được thành lập hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. “Những hành viên tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt hiện chưa có chế độ gì. Tất cả đều tham gia với tinh thần chung tay chống dịch là quan trọng nhất” – Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh Nguyễn Đa Bẩy nói.
Không chỉ đóng góp công sức, hầu hết trang thiết bị được bố trí để thực hiện công tác giám sát y tế cũng được xã hội hóa tối đa. Đơn cử như bàn ghế trưng dụng của UBND xã, thị trấn. Ấm chén tích nước phục vụ lực lượng làm nhiệm vụ được mượn tại nhà dân lân cận, hoặc do cán bộ… tự mang đi.
Nước sát khuẩn thường được cấp từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của xã, thị trấn trên cơ sở đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, DN, cá nhân. Nhiệt kế dùng để đo thân nhiệt cũng được mượn từ các cơ sở giáo dục hiện đang tạm dừng hoạt động...
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), địa phương đã xác định 17 xã, thị trấn còn lại đều là “điểm nóng”, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Chính vì vậy công tác chủ động phòng chống dịch được đặt lên trên hết. Theo ông Tuấn, sự ủng hộ lớn từ đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã và đang là tiền đề quan trọng để địa phương từng bước khống chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Để giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19, huyện Mê Linh đã thành lập 66 tổ kiểm tra, thường xuyên tuần tra, giám sát tại các xã, thị trấn. Đến nay, đã lập biên bản, xử phạt tổng số 320 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 64 triệu đồng.