Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động cải tiến quy trình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 22 xã, thị trấn, năm 1997, Gia Lâm là huyện đầu tiên của Hà Nội được thí điểm triển khai thực hiện mô hình "một cửa".

Thời gian qua đã ghi nhận sự tích cực của địa phương trong cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có những việc không có trong văn bản "cứng" của TP, nhưng huyện đã chủ động đề xuất để điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Kiểm điểm cán bộ để chậm hồ sơ

Nói về kết quả thực hiện Chương trình 08/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015", Chủ tịch UBND huyện Lê Anh Quân cho biết, huyện đã rà soát, kiến nghị đơn giản hóa 233 TTHC; kiến nghị sửa đổi TTHC số 55 về LĐTB&XH; rà soát bổ sung 18 TTHC thuộc thẩm quyền của huyện; giảm 1 thủ tục về thi đua - khen thưởng. Trong 241 TTHC thuộc thẩm quyền, 3 năm qua, cấp huyện đã giải quyết đúng hạn gần 64.000 hồ sơ, đạt 97,1%; đặc biệt, tỷ lệ đúng hạn tại các xã đạt tới 99,98%.

Thực tế nhiều năm qua, bộ phận "một cửa" từ huyện đến xã, thị trấn chưa ghi nhận khiếu nại, tố cáo hay phàn nàn của người dân trong giải quyết TTHC. "Trong những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, chúng tôi chủ trương xử lý triệt để, giải quyết cho người dân nhanh gọn nhất. Cán bộ để chậm một ngày cũng phải làm bản kiểm điểm" - Trưởng bộ phận Tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính huyện Nguyễn Văn Quang chia sẻ.

Năm 2014 phải triển khai quy định mới trong giải quyết TTHC tư pháp hộ tịch, chế độ chính sách, đã kéo tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của huyện xuống thấp hơn các năm trước. Cụ thể, trong cấp lại giấy khai sinh, TP quy định giải quyết trong một ngày, nhưng theo ông Nguyễn Văn Quang, không thể thực hiện được. Bởi hồ sơ phải lần lượt qua "một cửa" đến phòng chuyên môn, rồi mới trình Phó Chủ tịch UBND huyện ký hay quy định xác nhận hỗ trợ mai táng phí phải do trực tiếp Chủ tịch UBND huyện ký, nhưng không phải lúc nào lãnh đạo huyện cũng ở phòng làm việc. Trước thực trạng này, bộ phận “một cửa” đã chủ động đề xuất UBND huyện và đầu năm 2015 đã được tháo gỡ: Phó Chủ tịch UBND huyện có thể ký xác nhận hỗ trợ mai táng phí, ủy quyền cho Trưởng phòng Tư pháp ký cấp lại bản chính giấy khai sinh. Bên cạnh đó, nhận thấy quy định việc đính chính thông tin cá nhân trên "sổ đỏ" hoàn thành trong 15 ngày là quá lâu, UBND huyện đã phân cấp cho phòng chuyên môn và Phó Chủ tịch UBND huyện có thể ký xác nhận, giúp giảm thời gian giải quyết chỉ còn 10 ngày, được người dân hoan nghênh.

Kiến nghị gỡ vướng

Một mục tiêu trong kế hoạch CCHC năm 2015 của huyện là mọi TTHC được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động bộ phận “một cửa” của huyện, xã, thị trấn; 100% TTHC được giải quyết theo “một cửa”, “một cửa” liên thông. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Đào Xuân Trường cho rằng: Về tổ chức bộ máy, nhân lực đã cơ bản được kiện toàn, nhưng về cơ sở vật chất vẫn còn 3 xã chưa đảm bảo diện tích phòng “một cửa”, máy móc thiết bị còn thiếu. Trong khi đó, có 3 xã Bát Tràng, Cổ Bi và Yên Viên đang được TP thí điểm đầu tư cơ sở vật chất, nên huyện kiến nghị TP nhân rộng việc đầu tư này ra các xã, giúp nâng hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện đề xuất TP sớm giải quyết một bất cập như trên cổng thông tin điện tử TP và website của một số sở (LĐTB&XH, Xây dựng, TN&MT) chưa có thông tin về quy trình giải quyết TTHC mới, dù đã có các văn bản của Chính phủ, TP ban hành, sửa đổi về quy trình TTHC này. Sự phối hợp giữa cơ quan hành chính các cấp trong thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông cũng chưa đồng bộ: Một số văn bản quy định trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu giữa cơ quan thuế và cơ quan TN&MT, văn phòng đăng ký QSDĐ chưa rõ ràng, dẫn đến hồ sơ kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính tại thời điểm quý III - đầu quý IV bị quá hạn quy định.