Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động phòng cháy,chữa cháy rừng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rừng là tài nguyên quý của đất nước, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Ở nước ta hàng năm xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng lớn, nhỏ, gây thiệt hại nghiêm trọng tới mọi mặt về kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là rất quan trọng. Đối với Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hương Sơn trên địa bàn huyện Mỹ Đức thì công tác PCCCR luôn được đặt ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu.

Lá phổi xanh của Thủ đô

Rừng đặc dụng Hương Sơn là nơi có danh lam thắng cảnh Hương Tích nổi tiếng “đẹp nhất trời Nam” với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Trong rừng còn có hệ thống quần thể di tích lịch sử Chùa Hương đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, rừng đặc dụng Hương Sơn còn có vai trò và tác dụng trong việc phòng hộ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, điều hòa khí hậu, là lá phổi xanh của phía Nam Thủ đô Hà Nội. Rừng có tổng diện tích 4.705ha, trong đó vùng chính là 3.760ha, vùng đệm có diện tích 945ha nằm trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Mỹ Đức. Do đặc điểm rừng nằm gần khu dân cư nên hiện nay có trên 1.000 hộ dân đang canh tác làm vườn rừng và trên 200 hộ làm nhà ở ngay trong rừng, lượng người ra vào rừng hàng ngày rất lớn.
Một buổi diễn tập PCCCR của lực lượng kiểm lâm.
Một buổi diễn tập PCCCR của lực lượng kiểm lâm.
Đặc biệt, hàng năm nơi đây thu hút từ 1,5 - 1,7 triệu lượt khách du lịch về trẩy hội Chùa Hương. Chính vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Trên thực tế, hàng năm, cả nước xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng lớn nhỏ, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng trên toàn diện các mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp và dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2015, hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nắng nóng khô hạn diễn ra gay gắt, mùa khô kéo dài, lượng mưa giảm so với trung bình nhiều năm tại nhiều địa phương. Do đó, công tác PCCCR là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và Nhân dân sống trong rừng, ven rừng.

Ông Nguyễn Duy Giáp – Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hương Sơn cho biết, công tác PCCCR được BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đặc biệt quan tâm. Đây được coi là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Hàng năm, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã chủ động đề ra mọi phương án tối ưu nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra. Phương châm trong công tác PCCCR của BQL rừng đặc dụng Hương Sơn là “Phòng cháy là chính, chữa cháy phải khẩn trương tích cực đạt hiệu quả cao”. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp trong PCCCR mà nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn do đơn vị quản lý luôn được đảm bảo.

Phương châm phòng là chính

Những tháng cuối năm này đang bắt đầu vào mùa hanh khô, là thời điểm cháy rừng xảy ra nhiều nhất trong năm. Vì thế công tác chủ động PCCR rừng được BQL rừng đặc dụng Hương Sơn tập trung đẩy mạnh. Xác định PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đã tổ chức phổ biến kiến thức PCCCR trong cộng đồng.

Theo đó, đã tổ chức quán triệt từ huyện đến xã, thôn, xóm, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân khi vào rừng. Hướng dẫn cho bà con cách dập lửa khi phát hiện đám cháy, đảm bảo không thiệt hại về người và tài sản. Bằng các hình thức tuyên truyền khác nhau như tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng vào các buổi họp của xã, thôn. Để tăng thêm hiệu quả, đơn vị đã phát 15.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Tổ chức họp dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR. Hàng năm, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn ký cam kết bảo vệ rừng với 22 trưởng thôn giáp ranh khu rừng và ký cam kết bảo vệ rừng với 257/276 hộ dân. Qua đó, giúp bà con nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng.

Ngoài ra, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn còn thường xuyên trao đổi, nâng cao trình độ, kiến thức cho các tổ đội bảo vệ về công tác PCCCR. Đôn đốc tuần tra, kiểm soát, nắm bắt lượng người ra vào khu vực rừng được phân công, những biến động trong và ngoài rừng. Nắm rõ những khu vực dễ xảy ra cháy, thông tin kịp thời khi xảy ra cháy. Tổ chức, xây dựng phương án PCCCR, tăng cường các biện pháp PCCCR trong các tháng cao điểm và những điểm dễ xảy ra cháy rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, báo cáo tình hình trong và ngoài rừng với cấp có thẩm quyền, chủ động phối kết hợp với các xã, thôn trên địa bàn để kịp thời thông tin, thông báo, tiếp ứng người, phương tiện khi cần thiết nếu có cháy rừng xảy ra.

Cùng với việc thi công xây dựng các công trình như trạm bảo vệ, tuyên truyền bằng biển, bảng nơi đông người ra vào rừng, thì việc xây dựng các chòi canh có tác dụng phát hiện sớm điểm cháy rừng, ở những khu vực khác nhau, giúp phát hiện kịp thời, xử lý, dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất. Xây dựng bể chứa nước ở những vùng địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Đầu mùa khô, sông suối thường bị cạn kiệt, vì vậy phải có kế hoạch xây dựng ngăn các thung lũng, khe suối hoặc xây dựng những bể bán kiên cố để dự trữ nước cho sinh hoạt và phục vụ cho PCCCR, vừa phải bố trí lối đi, máy móc chuyên dụng kịp thời đáp ứng nếu có xảy ra cháy rừng.

Hiệu quả từ thực tế

Công tác PCCCR được BQL rừng đặc dụng Hương Sơn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát, canh lửa rừng. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân trên loa truyền thanh của xã và tại các cửa ra vào rừng bằng nhiều hình thức. Trong những ngày khô hanh cao điểm, BQL thường xuyên cử người trực canh lửa rừng 24/24 giờ, kịp thời chủ động triển khai các biện pháp chữa cháy rừng nếu có xảy ra theo đúng phương án PCCCR đã xây dựng. Phối kết hợp với Cụm an ninh khu vực Chùa Hương để bảo vệ trật tự an ninh trong rừng. Để phát huy có hiệu quả năng lực của các tổ trong công tác PCCCR, BQL rừng đã tổ chức các buổi tập huấn để trang bị những kiến thức cơ bản về PCCCR cho các thành viên: Cách phát dọn thực bì và xử lý các vật liệu dễ cháy tại những khu vực xung yếu, cách xử lý và dập tắt các đám cháy nhỏ và đặt các biển báo cháy tại những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, gắn tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong tổ với nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhờ vậy, ý thức của các thành viên trong tổ được nâng lên, tất cả đều thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR của ngành kiểm lâm đưa ra.

Ông Giáp chia sẻ, với việc triển khai công tác PCCCR một cách đồng bộ và sáng tạo, tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, khoa học, nên từ đầu năm tới nay, trên địa bàn do BQL rừng đặc dụng Hương Sơn quản lý không có vụ việc phá rừng trái pháp luật và đặc biệt không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Những năm gần đây, trước diễn biến thất thường của thời tiết, nắng nóng kéo dài và gay gắt hơn, chính vì vậy nguy cơ cháy rừng lại càng dễ xảy ra. Bước vào mùa khô cũng là lúc công tác PCCCR trở nên cấp thiết và quan trọng. Để chủ động phòng chống cháy rừng, BQL rừng đặc dụng Hương Sơn vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đề cao cảnh giác, chủ động các phương án canh trực, tuần tra bảo vệ rừng. “Việc bảo vệ và PCCCR không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà mỗi người dân hãy là một thành viên tích cực trong PCCCR. Đồng thời, hãy nêu cao vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho chính cuộc sống của chúng ta” - ông Giáp nói.