Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, phức tạp nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: BVCC
Suy gan, suy thận vì ăn tiết canh
Ngày 23/10, Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết đã cứu sống một bệnh nhân nguy kịch do bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trước khi nhập viện, ông C.V.T. (sinh năm 1975, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bị đau đầu nhiều, buồn nôn, rối loạn tri giác đặc biệt bị kích động mạnh, la hét vô nghĩa. Sau đó, gia đình đưa ông T. đến y tế địa phương trước khi xin chuyển đến BV Hoàn Mỹ Cửu Long.

Theo thông tin từ gia đình, ông T. thường xuyên ăn thịt lợn, đặc biệt thích ăn phần đầu và nội tạng. Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ chẩn đoán trường hợp này bị viêm màng não do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) theo phác đồ viêm màng não: Kháng sinh phối hợp liều cao thấm qua hàng rào máu não, corticoid kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ khác như dinh dưỡng nâng tổng trạng, chống loạn thần… Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đáp ứng thuốc, cải thiện tri giác, giảm đau đầu, ăn uống bằng miệng được, thỉnh thoảng còn kích động, xét nghiệm tình trạng nhiễm trùng giảm rõ rệt, xét nghiệm dịch não tủy lần 2 cho kết quả khả quan, các chỉ số nhiễm trùng cải thiện tốt.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Mỵ - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, nhiễm bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên và có thể lây cho người. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng như: Đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi tiêu phân lỏng… dễ lầm tưởng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu… Trường hợp của ông T. khi BV tiếp nhận đã tiến triển nặng, ê kíp bác sĩ phải phối hợp điều trị bằng những biện pháp hồi sức tối ưu nhất để kịp thời cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Mỵ khuyến cáo, người dân cần ăn chín uống sôi, không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị ốm, chết; không nên ăn thịt lợn chưa làm chín như thịt tái, lòng lợn, nội tạng, tiết canh... Khi tiếp xúc với nguy cơ gây bệnh và xuất hiện dấu hiệu bất thường như sốt, đau đầu, nôn… cần đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn trong điều trị.

Không giết mổ lợn không bảo đảm vệ sinh

Tương tự, vào hồi cuối tháng 9/2021, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang cũng đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân V.V.T. (sinh năm 1963, ở xã Đồng Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang) nhiễm liên cầu khuẩn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau các khớp, tứ chi căng cứng, khó vận động, sốt cao, da nổi vân tím, khó đi tiểu. Đây là ca bệnh hiếm gặp. Hàng năm, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận trung bình từ 4 - 5 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn.

Hay trước đó, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, một nam bệnh nhân, 30 tuổi, ở Lào Cai, nhập viện đêm 5/9 trong trạng thái tỉnh táo, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Theo lời kể của bệnh nhân, gia đình tổ chức mổ lợn sạch, đánh tiết canh để ăn mừng ngày 2/9, có rủ thêm khoảng 20 người khác cùng tham gia. Song sau khi ăn khoảng 3 ngày, người đàn ông bị sốt cao, rét run, đau mỏi người, xuất huyết dưới da toàn thân. Bệnh nhân đến BV Đa khoa tỉnh Lào Cai khám, sau đó được chuyển cấp cứu tới BV Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận và có rối loạn đông máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, tình trạng bệnh rất nặng. May mắn, bệnh nhân được đưa đi điều trị kịp thời, bệnh chưa biến chứng tới não và gây hoại tử. Sau điều trị, tình trạng người bệnh ổn định, được theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực.

Bệnh liên cầu lợn xuất hiện nhiều vào dịp Tết do văn hóa, tập quán ăn thịt lợn và tiết canh ở một số vùng miền. Một số người dân có quan niệm cho rằng lợn của nhà nuôi rất sạch, không bị nhiễm bệnh, có thể đánh tiết canh để ăn. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm do lợn nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại trong lợn. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên con vật, song có thể gây bệnh với người có sức đề kháng không tốt.

Theo các chuyên gia y tế, để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Điều trị bệnh liên cầu lợn rất khó khăn

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì vậy, người dân không nên giết mổ lợn khi không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, ăn thịt lợn sống, chưa chín kỹ hoặc sử dụng các món tái, tiết canh sống. "Thịt lợn nên được nấu chín ở trên 700C. Sau khi chế biến thịt lợn, người dân cần vệ sinh, khử khuẩn tay và các dụng cụ sạch sẽ để đảm bảo phòng bệnh” - bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gram dương, thường cư trú ở đường hô hấp trên. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh cho lợn và người. Bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Bên cạnh đó, điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.

Người nhiễm liên cầu lợn có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa, sốt, xuất huyết, viêm màng não. Khi trở nặng, bệnh gây sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong. Bệnh trở nặng rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Nếu nhập viện trong tình trạng nặng, người bệnh có thể bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể ví dụ điếc tai, ngón tay phải cắt cụt, tháo cụt, rất nặng nề.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi người thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Người dân phải tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Đặc biệt, khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.