Chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/10, Bộ NN&PTNT có Chỉ thị số 8382/CT-BNN-TCTL về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh muầ khô năm 2018 - 2019.

 Ảnh minh họa
Lượng mưa thấp hơn 10 - 30%
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa năm 2018 sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, lượng mưa trên toàn quốc phổ biến thấp hơn TBNN từ 10 - 30%, lượng dòng chảy sông, suối ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 30%, Nam Trung Bộ thấp hơn từ 30 - 60%.
Về dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi hiện tại, ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đang ở mức phổ biến trên 80% dung tích trữ thiết kế (DTTK), các khu vực khác phổ biến ở mức 20 - 40% DTTK, một số tỉnh có mức trữ thấp là Quảng Trị 22%, Thừa Thiên Huế 18%, Quảng Ngãi 20%, Bình Định 13%, Khánh Hòa 28%…
Các hồ chứa ở khu vực Trung Bộ sẽ tiếp tục được bổ sung nước do đang trong mùa mưa; tuy nhiên, khả năng nhiều hồ sẽ không được tích đầy nước do mùa mưa kết thúc sớm và lượng mưa bị thiếu hụt so với TBNN. Một số hồ chứa thủy điện tham gia bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp có dung tích trữ thấp, điển hình như: A Vương (hiện trữ 30% DTTK, thấp hơn 49% so với TBNN); Đắk Mil 4 (trữ 50% DTTK, thấp hơn 24%); Đơn Dương (trữ 37% DTTK, thấp hơn 50%); Đại Ninh (trữ 35% DTTK, thấp hơn 33%),...
Tránh lãng phí nguồn nước
Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2018 - 2019 sẽ gặp khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở các khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2018 - 2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp; Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2018 - 2019; Kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Tăng cường thực hiện việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí;
Bên cạnh đó, các địa phương cần tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau; Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt...); Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.
Xây dựng giải pháp cụ thể cho từng vùng
Trong Chỉ thị, Bộ NN&PTNT cũng đề ra các giải pháp phòng, chống hạn hán cụ thể cho từng vùng, miền.
Cụ thể, đối với khu vực Bắc Bộ: Thực hiện lấy nước hiệu quả trong các đợt điều tiết nước từ hồ chứa thủy điện để tận dụng tối đa nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân; lắp đặt, nâng cấp các trạm bơm dã chiến để hỗ trợ cấp nước cho các công trình lấy nước không hiệu quả do mực nước sông Hồng xuống thấp; tranh thủ trữ nước vào các vùng trũng, ao, hồ, hệ thống kênh mương để dành tưới dưỡng.
Đối với khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Tích nước hợp lý cho các hồ chứa, bảo đảm nhu cầu nước phục vụ sản xuất, dân sinh và an toàn đập, hồ chứa nước và vùng hạ du; kiểm kê nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào cuối mùa mưa để xây dựng kế hoạch phân phối nước cho cả mùa khô năm 2018 - 2019.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cần bố trí thời điểm xuống giống lúa phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần